Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Lan man ... toàn tập.

CÂU CHUYỆN CỦA ÔNG TÔI VÀ LOÀI HOA TÔI MANG TÊN

1. Chuyện của ông tôi .

Tôi qua Mỹ du học và được ông cưu mang. Ông là chú của ba tôi, nhưng với tôi ông vẫn là người lạ, nên sau 1 tháng ở nhà ông, tôi không thấy gần gũi gì hơn ngoài việc biết mình cùng huyết thống với ông. Ông rất hiền và đẹp lão , tính tình trầm lặng, không thích bon chen, trái ngược với Bà, nhưng ông rất thương và chiều Bà. Vì thế, tôi hiểu lý do tại sao sáng nay ông thấy vui vẻ khi có 1 ngày rảnh rang hiếm hoi được thoát khỏi vòng vây tiệc tùng - dancing – shoping ồn ã của bà.

Ông xuống gara, lấy từ góc sưu tập của mình vài bộ cần câu ưng ý và chuẩn bị các thứ lỉnh kỉnh. Ông có cả trăm bộ cần câu đủ kiểu , lớn, nhỏ khác nhau. Ông thường xuyên chăm chúng như chăm con nhỏ thương yêu của mình vậy. Thấy tôi tròn mắt trườc bộ sưu tập bề thế , ông cười nhẹ : “Vẫn còn thiếu các loại cần trúc của VN mình , vì ông mua không ra…”

Tôi khệ nệ vác phụ ông ra bờ hồ phía sau nhà, phụ ông lắp dựng các thứ và ngồi yên lặng cạnh ông. Lòng thầm cám ơn vì hôm nay ông không ca điệp khúc “Y Nha Dược , No.1” nên tôi có thể ở bên ông đủ lâu để nghe chuyện của ông.

Tôi ngắm quang cảnh xung quanh và thấy lòng thật bình lặng . Không gian yên bình ngát hương hoa cỏ và thời gian như không còn vội vã đếm nhịp quanh tôi nữa…

Rồi … tôi bỗng chợt nhận ra : chúng tôi không chỉ có 2 người. Còn 1 người lặng lẽ nhưng vui vẻ ngồi trong 1 góc khuất, cạnh túi đựng đồ câu bên trái chúng tôi.

Tôi nhớ lúc để túi đồ , ở đó chỉ có vài chiếc lá khô thôi, chắc ông đã lấy “ông ấy” ra và đặt vào đó.

“Ông ấy” là 1 Ông Địa te tua , cũ kỹ , nhỏ chừng bằng bàn tay tôi. “Ông ấy” ngồi song song với chúng tôi, mặt hướng về phía hồ , chừng như cũng đang tham gia buổi câu cùng bạn hữu vậy. Tôi nghĩ thầm “Chắc đây là người bạn của ông mỗi khi đi câu” và thắc mắc không hiểu họ có “nói chuyện” với nhau không (nếu không có tôi) ???

Tôi chợt hiểu ra Ông mình cũng cô đơn dù toại nguyện và giàu có , dù con cái thành đạt và hiếu thảo . Một cảm giác đồng cảm bỗng ập đến và tôi mơ hồ nhận thấy thương mến ông tôi.

Tôi cũng nhớ ra trong ngôi nhà sang trọng của ông tôi không có bàn thờ ông Địa, cũng không có hương án Gia Tiên . Như mọi nhà Mỹ khác, nhà ông chưng đầy hình ảnh các thành viên trong gia đình , các thành tích , vật kỷ niệm nhiều đến nỗi trông như phòng bảo tàng mà sau khi nhìn hết 1 lượt đã có thể kể ra được lịch sử của gia đình từ khi đặt chân lên đất Mỹ. Mọi thứ đều mới tinh , đắt tiền và hiện đại. Một ngôi nhà không có quá khứ , chỉ có hiện tại và tương lai.

Vậy thì cái tượng Ông Địa bằng đất nung cũ rích cũ rơ, lem luốc, đại diện cho cái quá khứ đau thương không muốn nhớ đến ấy ở đâu ra ?...

Tôi đứng lên, đi lại gần ông Địa , nhấc pho t ượng đặt lên 1 phiến đá và dọn đám lá khô xung quanh. Tôi làm việc đó với thái độ trân trọng như đang cư xử với bậc bề trên , mặc dù tôi “vô thần” . Thái độ đó có được chẳng qua vì kính trọng ông tôi và đồng cảm với nỗi cô đơn của ông . Tôi chẳng tin Chúa, cũng chẳng theo Phật, chẳng sợ yêu ma quỷ quái gì , chỉ sợ mỗi “ma cô” !!! Vì thế “Ông Địa” với tôi không là thần thánh chỉ là câu chuyện dân gian mang tính truyền thuyết mà thôi.

Ông quan sát tôi , rồi quay mặt ra hồ , không nói gì. Một lúc sau, tôi bỗng nghe ông nói , như đang kể chuyện, mắt vẫn nhìn ra hồ, giọng đều đều cố che dấu xúc động.

Đó là một vật kỷ niệm đặc biệt của ông. Trước đây là của ông, nhưng sau này ông lại được tặng từ 1 người có chính kiến khác ông đến nỗi ông tưởng không bao giờ có thể là bạn được. Từ ngày đó lòng ông bình an hẳn, không còn căm phẫn hay luyến tiếc quá khứ. Đời sống quá ngắn, phải không ? Thật tội nghiệp cho người cứ sống trong thù hằn, đến lúc xuôi tay làm sao được bình yên nhắm mắt…

Cháu có nhớ lần Ông về VN không ? Cách đây cũng gần 10 năm rồi. Lúc đó cháu còn nhỏ xíu…”


Thật đáng trách, có lẽ tôi sẽ chẳng nhớ nếu không có chuyện ngộ nghĩnh của em tôi. Khi ông bà về thăm VN, ba mẹ tôi nhường phòng của mình cho ông bà ở tạm và lên lầu ngủ với chị em tôi. Gần sáng, thằng em tôi vẫn quen thói cũ bỏ gường mình xuống lầu mắt nhắm mắt mở chui vào nằm giữa ông bà mà quên mất đang nằm chung với ba mẹ. Chuyện này thành ra câu chuyện cười trong gia đình tôi nên tôi mới nhớ, không thì …

“Có 1 hôm bà cháu đi chợ, tự dưng ông muốn về thăm lại căn nhà cũ ngày xưa, nên đã nhờ ba cháu chở ông đi. Khi về lại đó, cảnh vật thay đổi nhiều lắm, hàng xóm chẳng còn ai quen. Những căn nhà cũng thay đổi, xây dựng lại, chia nhỏ ra… đến nỗi ông không còn nhận ra nơi mình đã từng ở.

Chỉ duy có căn nhà cũ của ông vẫn còn y nguyên như trước khi ông ra đi. Vẫn cánh cổng cũ ; vẫn cái sân gạch Tàu rêu phong; vẫn hòn non bộ mà ông tỉ mẩn sắp từng viên đá, cây cầu; vẫn bụi hoa Quỳnh chen trong kẽ đá ở 1 góc sâu của sân. Bụi hoa Quỳnh này là của vợ trước của ông trồng trước ngày bà ra đi. Vì là bụi cây kỷ niệm nên ông quý nó lắm, nó gợi ông nhớ người vợ bất hạnh yêu quý của ông.

Ông đang tần ngần đứng trước cổng nhìn vào , lòng chợt phát sinh cảm tình với người chủ mới của căn nhà vì đã không phá đi bao kỷ niệm của ông , thì ông ta ra mở cổng. Đó là một người đàn ông gầy , khắc khổ , héo hon vì dấu vết chiến tranh in hằn trên thân thể.

Người đàn ông cất giọng Hà Nội đặc sệt, mà thường khi ông ghét cay ghét đắng, nhưng hôm ấy ,có lẽ đang trong trạng thái xúc động, ông chẳng cảm thấy ác cảm hoặc căm ghét gì giọng nói ấy.
- “Xin lỗi, Bác muốn hỏi thăm gì ạ ?”
Bình thường, chắc ông sẽ nói mình chỉ là người qua đường nghỉ chân, nhưng chẳng hiểu sao hôm ấy ông lại nói thật. “Người Hà Nội” nghe xong nhiệt tình mời ông vào nhà “xơi nước”, sau thời gian hàn huyên lại nhất quyết giữ lại “xơi cơm”. Rồi đưa ông lên sân thượng thăm vườn cũ. Có vài cây ông nhận ra ghi dấu của mình. Vườn xưa của ông nay đẹp hơn, nhiều loài lan quý hơn, còn có thêm bộ bàn đá để chủ nhân có thể đàm đạo với bạn hữu , chơi cờ , thưởng hoa, ngắm trăng lên…

Chẳng hiểu sao ông nói chuyện với kẻ thù đã đẩy mình ra khỏi quê hương, chiếm nhà mình … mà như nói chuyện với người bạn tâm đắc. Ông kể với ông ta rằng ông chỉ muốn thăm lại chốn xưa lần cuối. Chồn chân , mỏi gối rồi nên chắc chẳng thể có lần sau … Và nghe ông ta kể chuyện về 3 đứa con và bàn chân của ông đã để lại trong chiến tranh. Vợ ông ta đã mất và nay chỉ còn 1 ông mình trơ trọi giữa đời . Khi được phân căn nhà này ông cảm thấy đồng cảm với chủ nhà cũ và thích thú với sự sắp đặt mang tính “thiền” của căn nhà nên không muốn thay đổi. Ông ấy rất vui khi được biết ông. Thật lạ là ông nghĩ ông ta thành thật, không phải xã giao.

Quả nhiên mọi thứ ông ta để y như cũ, kể cả cái bàn Thiêng ở góc sân trước, cả bàn thờ ông Địa trong góc phòng khách, cả kệ sách và góc phòng đọc của ông vẫn thế. Ông còn tìm thấy vài quyển có ghi tên của mình trong đống sách giờ đã nhiều đến nỗi chất cả đống trên bàn, dưới đất…

Mỗi khi thấy lại những thứ thân quen, kỷ niệm lại tràn về và ông lại run rẩy vì xúc động. Ngày hôm đó là 1 ngày đáng nhớ trong đời ông …

Khi chào từ biệt, “Người Hà Nội” nhất quyết ép ông phải lấy thứ gì đó làm kỷ niệm, thậm chí nếu còn nhớ cố hương, ông có thể về sống chung với ông ấy trong ngôi nhà ngập đầy kỷ niệm của cả hai . Nguyên văn của ông ấy : “cũng chỉ còn chút hoài niệm, chờ ngày nhắm mắt xuôi tay, còn gì để luyến tiếc ? Công danh ư - gió thoảng, Sản nghiệp ư - phù vân, may ra thì có vài người bạn đến tống tiễn ly diệu nhạt (rượu - tiếng Bắc) khi ta về bên kia thế giới”

Thấy chủ nhà cũng thành tâm, nên ông lựa 1 quyển sách cũ mà bà của con tặng cho ông ngày xưa và cắt 1 nhánh Quỳnh loại bánh tẻ để mang sang Mỹ trồng làm kỷ niệm. Con có thể tìm thấy nó ở bờ đá đàng kia.

Như ng “Người Hà Nội” lại nài nỉ tặng cho ông 1 thứ bất ngờ : Tượng “Ông Địa” trong trang thờ nhà ông. Ban đầu ông ngạc nhiên lắm, nhưng sau khi nghe ông ấy giải thích lại thấy rất thâm thuý , thật đúng phong cách người Hà Nội.

Theo ông ấy, ông Địa chẳng có trong tôn giáo nào cả. Dân ta lập bàn Thiêng để cảm tạ Trời, vì Trời không có hình hài nên bàn Thiêng chỉ là bàn Thiêng. Hàng ngày ta thắp nhang tại bàn Thiêng để cảm tạ hoặc cầu xin ơn Trời cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Có Trời thì phải có Đất, nên lập bàn thờ ông Địa cho cân bằng. Trời là cái cao siêu không thể hiểu nổi , còn Đất thì gần gũi với đầy đủ hỉ nộ ái ố , nên hình tượng ông Địa đại diện cho Đất. Vì Đất giàu có và khoan dung nên ông Địa đẫy đà, phúc hậu. Trời làm những việc mang tính vĩ mô còn Đất tham dự vào cái vi mô của từng gia đình, nên Ông Địa cũng như người bạn , thầm lặng ủng hộ ta. Ông Địa lại đại diện cho Đất , đại diện cho nơi sinh ra ta tức là quê hương…

Tượng ông Địa này Bà con mang từ Bình Định vô Saigon, có từ hồi nào chẳng rõ, Bà nói rằng khi Bà còn nhỏ đã thấy cũ kỹ như thế . Và vì Dân mình tin rằng tượng ông Địa cũ mới linh, nên tuy trang thờ mới tinh thờ ông Địa cũ kỹ xấu xí lại là điều tốt. Thậm chí có người làm trang thờ xong không chịu mua ông Địa mà tìm cách xin hoặc chôm chỉa ông Địa nhà người khác - nhất là nhà giàu có - mới chịu. Thử hỏi được bao nhiêu nhà có "ông Địa" truyền đời ? ”


Hêhê… gì chứ vụ này thì tôi biết. Tôi có thằng bạn thân. Nhà nó là dân thương nghiệp về nhập khẩu. Bàn thờ ông Địa nhà nó rất hoành tráng, lúc nào cũng đủ hoa trái nhang đèn. Chỉ có điều ba mẹ nó đi tối ngày, mỗi khi đi học về , vừa mở khoá vào nhà là nó lập tức đi truy tìm ông Địa. Tôi cũng đã từng đi tìm ông Địa với nó. Số là : ông Địa thì phải ở dưới đất, nên bàn thờ ông Địa luôn nàm trong góc phòng khách. Nó có con chó cưng, lẽ ra phải bị xích lại, nhưng vì rất nhiều “lý do khách quan và chủ quan” con chó vẫn hay được tự do đi lại trong nhà khi không có ai. Và có lẽ vì ông Địa hiền và đẹp dzai quá nên chú chó na ông đi khắp nhà chơi cho dzui. Báo hại bạn tôi phải đi tìm. Có hôm tới chiều rồi mà vẫn tìm không ra, Cu cậu sợ xanh mặt, vì mẹ mà biết chuyện là em cún của nó ra đường ở liền. Ông Địa nhà nó trông tang thương hết sức nhưng vẫn cười hồn hậu bên trong trang thờ sang trọng đèn thắp sáng choang… Ông Địa đó nghe đâu có từ thời ông cố ông sơ gì đó của nó lận.



Ông Địa của ông qua Mỹ không có trang thờ trọng vọng như ở quê nhà, ông để ông Địa của ông ở cùng bộ sưu tập , nhưng trong lòng ông , ông ấy vẫn là bạn tâm tình thân thiết của ông. Cả hai đều lưu vong mà…”

...

Tôi nghe tiếng ông cười nhưng sao thấy buồn mênh mang…



Chúng tôi câu được cả đống cá. Hồ lớn, cá nhiều, ít người câu. Mà có câu được rồi thì cũng chỉ ngắm thành quả rồi lại thả xuống hồ, chẳng ai ăn …

Hôm nay ông câu được sự yêu thương của tôi, còn tôi lại câu được một người Ông. Cũng đáng 1 buổi đi câu quá đi ấy chứ !!!


2. Loài hoa tôi mang tên

Tôi nhớ câu chuyện của ông tôi về cây hoa đặc biệt của ông, nên chiều hôm đó, tôi đi bộ lang thang tìm bờ đá mà ông đã trồng cây hoa này.

Tôi cảm thấy hãnh diện và người lớn hẳn lên khi được ông chia sẻ bí mật, nên tôi lang thang với cảm giác rất khó tả , vừa phấn khích vì lý do nêu trên , vừa thấy nao nao buồn buồn vu vơ , không hiểu nổi mình.

Tôi thấy cây hoa ấy bên bờ kè đá , thảm hại và còi cọc. Trông nó buồn quá . Chẳng giống bụi hoa Quỳnh bên hiên nhà tôi gì cả.

Tôi nhớ hàng hiên nhà mình quá đỗi, hàng hiên có bụi Quỳnh sum xuê, bụi Quỳnh chẳng bao giờ được thấy hoa, dù nụ rất nhiều.

Mẹ bảo hoa Quỳnh không nở để cho thường nhân ngắm, chỉ toả hương cho ai thật sự yêu mến nó thôi. Muốn thấy hoa Quỳnh phải chờ trăng lên, kiên nhẫn, quá nửa đêm hoa mới nở . Hoa Quỳnh thanh khiết và cao quý nên chỉ nở vào đêm trăng sáng. Khi mặt trời lên hoa đã tàn rồi. Ánh sáng chói chang của mặt trời cũng như thế sự tầm thường không thể làm tổn thương đến hoa Quỳnh được.

Chuyện của mẹ về hoa Quỳnh chẳng biết có thật không. Nhưng nghe tả ai oán quá nên tôi tưởng tượng hoa Quỳnh phải đẹp lắm, thanh khiết lắm và thơm ngào ngạt .

Bác Trịnh đã từng diễn tả qua câu hát : “Em mang cho ta 1 đoá Quỳnh, Quỳnh thơm hay môi em thơm…” Trời ạ ! bác Trịnh quá cố cũng hóm hỉnh thật, để mang qua nhà chàng 1 đoá Quỳnh thơm hương ngào ngạt như thế thì phải leo rào mà gặp chàng vào lúc sắp hừng đông ... Câu hát nhẹ nhàng mà tình của bác Trịnh mãnh liệt quá đi mất…

Vì cái sự nở của hoa Quỳnh khó khăn là thế, nên cho đến nay, tôi vẫn chưa được thấy đóa Quỳnh nào , dù đã bao lần tôi cố thức để chờ, nhưng lần nào tôi cũng ngủ quên. Cả nhà cứ cười tôi mãi về chuyện này, đến nỗi, có lần tôi tuyên bố chắc như đinh đóng cột rằng : Hoa Quỳnh không bao giờ nở và bỏ cuộc.

Hôm rồi về nhà nghỉ hè, nghĩ mọi người đã quên chuyện cũ, nên tôi lén chờ để ngắm cho được hoa Quỳnh nở. Quái lạ ! Sao tán gẫu, chat chít thì chẳng thấy buồn ngủ mà chờ quỳnh nở trong đêm trăng thì lại buồn ngủ kinh khủng. Kết quả lại thua.

Tôi ra đi mà vẫn chưa thấy được đoá hoa mình mang tên mặt mũi ra sao…

28/8/2008
SSN

Không có nhận xét nào: