Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Lan man ... toàn tập.

CÂU CHUYỆN CỦA ÔNG TÔI VÀ LOÀI HOA TÔI MANG TÊN

1. Chuyện của ông tôi .

Tôi qua Mỹ du học và được ông cưu mang. Ông là chú của ba tôi, nhưng với tôi ông vẫn là người lạ, nên sau 1 tháng ở nhà ông, tôi không thấy gần gũi gì hơn ngoài việc biết mình cùng huyết thống với ông. Ông rất hiền và đẹp lão , tính tình trầm lặng, không thích bon chen, trái ngược với Bà, nhưng ông rất thương và chiều Bà. Vì thế, tôi hiểu lý do tại sao sáng nay ông thấy vui vẻ khi có 1 ngày rảnh rang hiếm hoi được thoát khỏi vòng vây tiệc tùng - dancing – shoping ồn ã của bà.

Ông xuống gara, lấy từ góc sưu tập của mình vài bộ cần câu ưng ý và chuẩn bị các thứ lỉnh kỉnh. Ông có cả trăm bộ cần câu đủ kiểu , lớn, nhỏ khác nhau. Ông thường xuyên chăm chúng như chăm con nhỏ thương yêu của mình vậy. Thấy tôi tròn mắt trườc bộ sưu tập bề thế , ông cười nhẹ : “Vẫn còn thiếu các loại cần trúc của VN mình , vì ông mua không ra…”

Tôi khệ nệ vác phụ ông ra bờ hồ phía sau nhà, phụ ông lắp dựng các thứ và ngồi yên lặng cạnh ông. Lòng thầm cám ơn vì hôm nay ông không ca điệp khúc “Y Nha Dược , No.1” nên tôi có thể ở bên ông đủ lâu để nghe chuyện của ông.

Tôi ngắm quang cảnh xung quanh và thấy lòng thật bình lặng . Không gian yên bình ngát hương hoa cỏ và thời gian như không còn vội vã đếm nhịp quanh tôi nữa…

Rồi … tôi bỗng chợt nhận ra : chúng tôi không chỉ có 2 người. Còn 1 người lặng lẽ nhưng vui vẻ ngồi trong 1 góc khuất, cạnh túi đựng đồ câu bên trái chúng tôi.

Tôi nhớ lúc để túi đồ , ở đó chỉ có vài chiếc lá khô thôi, chắc ông đã lấy “ông ấy” ra và đặt vào đó.

“Ông ấy” là 1 Ông Địa te tua , cũ kỹ , nhỏ chừng bằng bàn tay tôi. “Ông ấy” ngồi song song với chúng tôi, mặt hướng về phía hồ , chừng như cũng đang tham gia buổi câu cùng bạn hữu vậy. Tôi nghĩ thầm “Chắc đây là người bạn của ông mỗi khi đi câu” và thắc mắc không hiểu họ có “nói chuyện” với nhau không (nếu không có tôi) ???

Tôi chợt hiểu ra Ông mình cũng cô đơn dù toại nguyện và giàu có , dù con cái thành đạt và hiếu thảo . Một cảm giác đồng cảm bỗng ập đến và tôi mơ hồ nhận thấy thương mến ông tôi.

Tôi cũng nhớ ra trong ngôi nhà sang trọng của ông tôi không có bàn thờ ông Địa, cũng không có hương án Gia Tiên . Như mọi nhà Mỹ khác, nhà ông chưng đầy hình ảnh các thành viên trong gia đình , các thành tích , vật kỷ niệm nhiều đến nỗi trông như phòng bảo tàng mà sau khi nhìn hết 1 lượt đã có thể kể ra được lịch sử của gia đình từ khi đặt chân lên đất Mỹ. Mọi thứ đều mới tinh , đắt tiền và hiện đại. Một ngôi nhà không có quá khứ , chỉ có hiện tại và tương lai.

Vậy thì cái tượng Ông Địa bằng đất nung cũ rích cũ rơ, lem luốc, đại diện cho cái quá khứ đau thương không muốn nhớ đến ấy ở đâu ra ?...

Tôi đứng lên, đi lại gần ông Địa , nhấc pho t ượng đặt lên 1 phiến đá và dọn đám lá khô xung quanh. Tôi làm việc đó với thái độ trân trọng như đang cư xử với bậc bề trên , mặc dù tôi “vô thần” . Thái độ đó có được chẳng qua vì kính trọng ông tôi và đồng cảm với nỗi cô đơn của ông . Tôi chẳng tin Chúa, cũng chẳng theo Phật, chẳng sợ yêu ma quỷ quái gì , chỉ sợ mỗi “ma cô” !!! Vì thế “Ông Địa” với tôi không là thần thánh chỉ là câu chuyện dân gian mang tính truyền thuyết mà thôi.

Ông quan sát tôi , rồi quay mặt ra hồ , không nói gì. Một lúc sau, tôi bỗng nghe ông nói , như đang kể chuyện, mắt vẫn nhìn ra hồ, giọng đều đều cố che dấu xúc động.

Đó là một vật kỷ niệm đặc biệt của ông. Trước đây là của ông, nhưng sau này ông lại được tặng từ 1 người có chính kiến khác ông đến nỗi ông tưởng không bao giờ có thể là bạn được. Từ ngày đó lòng ông bình an hẳn, không còn căm phẫn hay luyến tiếc quá khứ. Đời sống quá ngắn, phải không ? Thật tội nghiệp cho người cứ sống trong thù hằn, đến lúc xuôi tay làm sao được bình yên nhắm mắt…

Cháu có nhớ lần Ông về VN không ? Cách đây cũng gần 10 năm rồi. Lúc đó cháu còn nhỏ xíu…”


Thật đáng trách, có lẽ tôi sẽ chẳng nhớ nếu không có chuyện ngộ nghĩnh của em tôi. Khi ông bà về thăm VN, ba mẹ tôi nhường phòng của mình cho ông bà ở tạm và lên lầu ngủ với chị em tôi. Gần sáng, thằng em tôi vẫn quen thói cũ bỏ gường mình xuống lầu mắt nhắm mắt mở chui vào nằm giữa ông bà mà quên mất đang nằm chung với ba mẹ. Chuyện này thành ra câu chuyện cười trong gia đình tôi nên tôi mới nhớ, không thì …

“Có 1 hôm bà cháu đi chợ, tự dưng ông muốn về thăm lại căn nhà cũ ngày xưa, nên đã nhờ ba cháu chở ông đi. Khi về lại đó, cảnh vật thay đổi nhiều lắm, hàng xóm chẳng còn ai quen. Những căn nhà cũng thay đổi, xây dựng lại, chia nhỏ ra… đến nỗi ông không còn nhận ra nơi mình đã từng ở.

Chỉ duy có căn nhà cũ của ông vẫn còn y nguyên như trước khi ông ra đi. Vẫn cánh cổng cũ ; vẫn cái sân gạch Tàu rêu phong; vẫn hòn non bộ mà ông tỉ mẩn sắp từng viên đá, cây cầu; vẫn bụi hoa Quỳnh chen trong kẽ đá ở 1 góc sâu của sân. Bụi hoa Quỳnh này là của vợ trước của ông trồng trước ngày bà ra đi. Vì là bụi cây kỷ niệm nên ông quý nó lắm, nó gợi ông nhớ người vợ bất hạnh yêu quý của ông.

Ông đang tần ngần đứng trước cổng nhìn vào , lòng chợt phát sinh cảm tình với người chủ mới của căn nhà vì đã không phá đi bao kỷ niệm của ông , thì ông ta ra mở cổng. Đó là một người đàn ông gầy , khắc khổ , héo hon vì dấu vết chiến tranh in hằn trên thân thể.

Người đàn ông cất giọng Hà Nội đặc sệt, mà thường khi ông ghét cay ghét đắng, nhưng hôm ấy ,có lẽ đang trong trạng thái xúc động, ông chẳng cảm thấy ác cảm hoặc căm ghét gì giọng nói ấy.
- “Xin lỗi, Bác muốn hỏi thăm gì ạ ?”
Bình thường, chắc ông sẽ nói mình chỉ là người qua đường nghỉ chân, nhưng chẳng hiểu sao hôm ấy ông lại nói thật. “Người Hà Nội” nghe xong nhiệt tình mời ông vào nhà “xơi nước”, sau thời gian hàn huyên lại nhất quyết giữ lại “xơi cơm”. Rồi đưa ông lên sân thượng thăm vườn cũ. Có vài cây ông nhận ra ghi dấu của mình. Vườn xưa của ông nay đẹp hơn, nhiều loài lan quý hơn, còn có thêm bộ bàn đá để chủ nhân có thể đàm đạo với bạn hữu , chơi cờ , thưởng hoa, ngắm trăng lên…

Chẳng hiểu sao ông nói chuyện với kẻ thù đã đẩy mình ra khỏi quê hương, chiếm nhà mình … mà như nói chuyện với người bạn tâm đắc. Ông kể với ông ta rằng ông chỉ muốn thăm lại chốn xưa lần cuối. Chồn chân , mỏi gối rồi nên chắc chẳng thể có lần sau … Và nghe ông ta kể chuyện về 3 đứa con và bàn chân của ông đã để lại trong chiến tranh. Vợ ông ta đã mất và nay chỉ còn 1 ông mình trơ trọi giữa đời . Khi được phân căn nhà này ông cảm thấy đồng cảm với chủ nhà cũ và thích thú với sự sắp đặt mang tính “thiền” của căn nhà nên không muốn thay đổi. Ông ấy rất vui khi được biết ông. Thật lạ là ông nghĩ ông ta thành thật, không phải xã giao.

Quả nhiên mọi thứ ông ta để y như cũ, kể cả cái bàn Thiêng ở góc sân trước, cả bàn thờ ông Địa trong góc phòng khách, cả kệ sách và góc phòng đọc của ông vẫn thế. Ông còn tìm thấy vài quyển có ghi tên của mình trong đống sách giờ đã nhiều đến nỗi chất cả đống trên bàn, dưới đất…

Mỗi khi thấy lại những thứ thân quen, kỷ niệm lại tràn về và ông lại run rẩy vì xúc động. Ngày hôm đó là 1 ngày đáng nhớ trong đời ông …

Khi chào từ biệt, “Người Hà Nội” nhất quyết ép ông phải lấy thứ gì đó làm kỷ niệm, thậm chí nếu còn nhớ cố hương, ông có thể về sống chung với ông ấy trong ngôi nhà ngập đầy kỷ niệm của cả hai . Nguyên văn của ông ấy : “cũng chỉ còn chút hoài niệm, chờ ngày nhắm mắt xuôi tay, còn gì để luyến tiếc ? Công danh ư - gió thoảng, Sản nghiệp ư - phù vân, may ra thì có vài người bạn đến tống tiễn ly diệu nhạt (rượu - tiếng Bắc) khi ta về bên kia thế giới”

Thấy chủ nhà cũng thành tâm, nên ông lựa 1 quyển sách cũ mà bà của con tặng cho ông ngày xưa và cắt 1 nhánh Quỳnh loại bánh tẻ để mang sang Mỹ trồng làm kỷ niệm. Con có thể tìm thấy nó ở bờ đá đàng kia.

Như ng “Người Hà Nội” lại nài nỉ tặng cho ông 1 thứ bất ngờ : Tượng “Ông Địa” trong trang thờ nhà ông. Ban đầu ông ngạc nhiên lắm, nhưng sau khi nghe ông ấy giải thích lại thấy rất thâm thuý , thật đúng phong cách người Hà Nội.

Theo ông ấy, ông Địa chẳng có trong tôn giáo nào cả. Dân ta lập bàn Thiêng để cảm tạ Trời, vì Trời không có hình hài nên bàn Thiêng chỉ là bàn Thiêng. Hàng ngày ta thắp nhang tại bàn Thiêng để cảm tạ hoặc cầu xin ơn Trời cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Có Trời thì phải có Đất, nên lập bàn thờ ông Địa cho cân bằng. Trời là cái cao siêu không thể hiểu nổi , còn Đất thì gần gũi với đầy đủ hỉ nộ ái ố , nên hình tượng ông Địa đại diện cho Đất. Vì Đất giàu có và khoan dung nên ông Địa đẫy đà, phúc hậu. Trời làm những việc mang tính vĩ mô còn Đất tham dự vào cái vi mô của từng gia đình, nên Ông Địa cũng như người bạn , thầm lặng ủng hộ ta. Ông Địa lại đại diện cho Đất , đại diện cho nơi sinh ra ta tức là quê hương…

Tượng ông Địa này Bà con mang từ Bình Định vô Saigon, có từ hồi nào chẳng rõ, Bà nói rằng khi Bà còn nhỏ đã thấy cũ kỹ như thế . Và vì Dân mình tin rằng tượng ông Địa cũ mới linh, nên tuy trang thờ mới tinh thờ ông Địa cũ kỹ xấu xí lại là điều tốt. Thậm chí có người làm trang thờ xong không chịu mua ông Địa mà tìm cách xin hoặc chôm chỉa ông Địa nhà người khác - nhất là nhà giàu có - mới chịu. Thử hỏi được bao nhiêu nhà có "ông Địa" truyền đời ? ”


Hêhê… gì chứ vụ này thì tôi biết. Tôi có thằng bạn thân. Nhà nó là dân thương nghiệp về nhập khẩu. Bàn thờ ông Địa nhà nó rất hoành tráng, lúc nào cũng đủ hoa trái nhang đèn. Chỉ có điều ba mẹ nó đi tối ngày, mỗi khi đi học về , vừa mở khoá vào nhà là nó lập tức đi truy tìm ông Địa. Tôi cũng đã từng đi tìm ông Địa với nó. Số là : ông Địa thì phải ở dưới đất, nên bàn thờ ông Địa luôn nàm trong góc phòng khách. Nó có con chó cưng, lẽ ra phải bị xích lại, nhưng vì rất nhiều “lý do khách quan và chủ quan” con chó vẫn hay được tự do đi lại trong nhà khi không có ai. Và có lẽ vì ông Địa hiền và đẹp dzai quá nên chú chó na ông đi khắp nhà chơi cho dzui. Báo hại bạn tôi phải đi tìm. Có hôm tới chiều rồi mà vẫn tìm không ra, Cu cậu sợ xanh mặt, vì mẹ mà biết chuyện là em cún của nó ra đường ở liền. Ông Địa nhà nó trông tang thương hết sức nhưng vẫn cười hồn hậu bên trong trang thờ sang trọng đèn thắp sáng choang… Ông Địa đó nghe đâu có từ thời ông cố ông sơ gì đó của nó lận.



Ông Địa của ông qua Mỹ không có trang thờ trọng vọng như ở quê nhà, ông để ông Địa của ông ở cùng bộ sưu tập , nhưng trong lòng ông , ông ấy vẫn là bạn tâm tình thân thiết của ông. Cả hai đều lưu vong mà…”

...

Tôi nghe tiếng ông cười nhưng sao thấy buồn mênh mang…



Chúng tôi câu được cả đống cá. Hồ lớn, cá nhiều, ít người câu. Mà có câu được rồi thì cũng chỉ ngắm thành quả rồi lại thả xuống hồ, chẳng ai ăn …

Hôm nay ông câu được sự yêu thương của tôi, còn tôi lại câu được một người Ông. Cũng đáng 1 buổi đi câu quá đi ấy chứ !!!


2. Loài hoa tôi mang tên

Tôi nhớ câu chuyện của ông tôi về cây hoa đặc biệt của ông, nên chiều hôm đó, tôi đi bộ lang thang tìm bờ đá mà ông đã trồng cây hoa này.

Tôi cảm thấy hãnh diện và người lớn hẳn lên khi được ông chia sẻ bí mật, nên tôi lang thang với cảm giác rất khó tả , vừa phấn khích vì lý do nêu trên , vừa thấy nao nao buồn buồn vu vơ , không hiểu nổi mình.

Tôi thấy cây hoa ấy bên bờ kè đá , thảm hại và còi cọc. Trông nó buồn quá . Chẳng giống bụi hoa Quỳnh bên hiên nhà tôi gì cả.

Tôi nhớ hàng hiên nhà mình quá đỗi, hàng hiên có bụi Quỳnh sum xuê, bụi Quỳnh chẳng bao giờ được thấy hoa, dù nụ rất nhiều.

Mẹ bảo hoa Quỳnh không nở để cho thường nhân ngắm, chỉ toả hương cho ai thật sự yêu mến nó thôi. Muốn thấy hoa Quỳnh phải chờ trăng lên, kiên nhẫn, quá nửa đêm hoa mới nở . Hoa Quỳnh thanh khiết và cao quý nên chỉ nở vào đêm trăng sáng. Khi mặt trời lên hoa đã tàn rồi. Ánh sáng chói chang của mặt trời cũng như thế sự tầm thường không thể làm tổn thương đến hoa Quỳnh được.

Chuyện của mẹ về hoa Quỳnh chẳng biết có thật không. Nhưng nghe tả ai oán quá nên tôi tưởng tượng hoa Quỳnh phải đẹp lắm, thanh khiết lắm và thơm ngào ngạt .

Bác Trịnh đã từng diễn tả qua câu hát : “Em mang cho ta 1 đoá Quỳnh, Quỳnh thơm hay môi em thơm…” Trời ạ ! bác Trịnh quá cố cũng hóm hỉnh thật, để mang qua nhà chàng 1 đoá Quỳnh thơm hương ngào ngạt như thế thì phải leo rào mà gặp chàng vào lúc sắp hừng đông ... Câu hát nhẹ nhàng mà tình của bác Trịnh mãnh liệt quá đi mất…

Vì cái sự nở của hoa Quỳnh khó khăn là thế, nên cho đến nay, tôi vẫn chưa được thấy đóa Quỳnh nào , dù đã bao lần tôi cố thức để chờ, nhưng lần nào tôi cũng ngủ quên. Cả nhà cứ cười tôi mãi về chuyện này, đến nỗi, có lần tôi tuyên bố chắc như đinh đóng cột rằng : Hoa Quỳnh không bao giờ nở và bỏ cuộc.

Hôm rồi về nhà nghỉ hè, nghĩ mọi người đã quên chuyện cũ, nên tôi lén chờ để ngắm cho được hoa Quỳnh nở. Quái lạ ! Sao tán gẫu, chat chít thì chẳng thấy buồn ngủ mà chờ quỳnh nở trong đêm trăng thì lại buồn ngủ kinh khủng. Kết quả lại thua.

Tôi ra đi mà vẫn chưa thấy được đoá hoa mình mang tên mặt mũi ra sao…

28/8/2008
SSN

Phân vân... Lan man 3

TÔI CHỌN NGHỀ ???

Dạo này, cứ mỗi khi gặp tôi, ai cũng hỏi : chọn học ngành nào rồi ?

Câu hỏi còn hơn sự tra tấn vạn lần.

Thấy mặt mũi tôi cứ ngơ ngơ như ngỗng sắp ... ị , mẹ tôi khuyên : "Hãy nghe theo lời thì thầm của trái tim, con ạ !". Cha tôi nói : " Hãy chọn ngành nào xã hội đang thiếu mới dễ được trọng dụng ". Bạn bè kêu : " Chọn ngành nào sau này dễ làm giàu í " .

Tôi hoang mang như lạc vào mê cung.

Mẹ lại nhẹ nhàng : " Hãy chọn ngành mà con đam mê, vì con sẽ gắn bó với nó suốt đời ". Cha tôi thực tế hơn : " Phải dựa theo năng lực nữa con à, ôm đồm quá sức không làm con ng ta hạnh phúc đâu !" Bạn bè tán " Học ngành hot ấy, thế mới dễ nể !" .

Than ôi, càng nghe khuyên càng rối trí ! Thôi, cứ cắp gói làm ES 1 năm đi, nghe nói bên Mỹ hướng nghiệp tốt lắm , mỗi trường còn có hẳn 1 Counseler thông minh , giỏi giang , chuyên nghiệp ... giúp mình chọn trường nũa. Thế nhé ... Hãy an lòng, mẹ ơi ...!

Và đến nay, sát ngày deadline hồ sơ xin học college, tôi vẫn cứ ngơ ngơ ngáo ngáo... ( cô ngỗng ngố này chắc bị táo bón mất rùi...)

Thế là, mỗi ngày, sau khi vội vã thanh toán xong homework, tôi lùng sục các box du học xem các liền anh, liền chị học gì và làm gì.

Kết quả chẳng khả quan là mấy. Hình như chỉ có các bậc hào kiệt và anh thư võ công đầy mình mới tham gia 4 rùm thui. Các phó thường dân nhỏ bé sức hèn tài mọn như tôi chẳng ai dám huyênh hoang gì sất, chắc e ngại sẽ múa rìu qua mặt ... indian chăng?

Thôi thì ... cứ thử mơ đi ...

Chỉ là mơ, có nói ra với ai đâu mà sợ ...

...

Dân mình hay nói " nhất y , nhì dược ". Thử nhé ...

Oh, hoá ra bên Mỹ cũng như rứa hỉ !

Nhà mình vốn có truyền thống theo ngành y mà. Điểm lại lịch sử nhé : Ông nội mình là lương y, Ông ngoại cũng là lương y, cô mình là bác sĩ chuyên khoa tim mạch, cha mẹ mình kinh doanh dụng cụ y khoa ... Nên quá đi chứ ! Nhất trí nhé.

Đêm đó , tôi ngủ 1 đêm dễ nhất trong năm, không trằn trọc, trăn trở, trặt trẹo ...

Kha kha, hoá ra mơ mộng cũng có thể đem đến cho ng ta hạnh phúc dễ dàng thế đấy! Coi như bài toán đã có đáp án.

....

Tôi nằm mơ thấy mình bước qua sân trường đầy nắng để vào sảnh đường rộng lớn và cực kỳ tráng lệ của Medical school.

Trong sảnh đường , các bác sĩ tương lai đang qua lại, trên tay ôm những cuốn Harrison's dày cộm, lẩm nhẩm đọc lời thề Hippocrates , mặt mũi sáng láng thông minh, đẹp như thần Apollon . Chính giữa sảnh, nổi bật giữa các vị thần Apollon đẹp trai đó , là khuôn mặt quắc thước, nghiêm trang , râu tóc bạc phơ và cực kỳ thông tuệ : Thần Hippocrate, thuỷ tổ của ngành y; ngài đang hiền lành nhắc nhở các cháu chắt chút chít về y đức .

Cảnh tượng huy hoàng làm tôi choáng ngợp. Hít một hơi thật sâu, tôi nhấc chân toan bước vào thánh đường "của mình" ...

Bỗng..., Một tiếng quát như sấm rền làm tôi giật mình đặt vội chân xuống lại bậc thềm và cứng người hoảng hốt. Định thần lại , tôi thấy thần Hippocrate đang vẹt đám đông sải bước về phía tôi, mặt đỏ lên vì giận dữ. Sao thế nhỉ, tôi tự hỏi, chắc có thằng lưu manh cha căng chú kiết nào đó định làm ô uế thánh đường này chăng ? Oops , nếu có thì phải bước qua xác bản cô nương đã nhé. Hàhà, xem ta lập công trước mặt thần tượng đâyyyyyyy ...

Quay đầu nhìn quanh, sân trường vắng lặng, chỉ có tôi là người duy nhất ... Lẽ nào ... !

Khi còn cách tôi chừng 10 bước chân, vị thần đáng kính ngừng lại, từ hai lỗ mũi ngài, làn khói giận dữ tuôn ra mờ mịt như sương mù London buổi sáng , ngăn cách tôi và thần tượng của mình. Ngài chỉ thẳng vào tôi và quát :

- Hey, U, Ai cho phép ngươi xâm nhập nơi này ?

Tôi sợ tái xanh tái xám, lắp bắp :

- Dà...dà...Con muốn xin ngài cho con được học theo ngài, con muốn được trở thành bác sĩ chũa bệnh cho mọi người.

Chết thật, hình như không còn gì quấy hơn câu nói vừa rồi của tôi thì phải. Ngài tổ sư ngành Y còn la to hơn nũa :

- Huhm ! Bộ ngươi tưởng trường Y là nơi ai muốn học thì học được sao ? Người như ngươi văn dốt võ dát, óc thì bằng trái chanh, gan thì như trái cherry, thấy người ta quằn quại đau đớn thì sợ vãi mật, thấy máu chảy lai láng thì xỉu lên xỉu xuống, học thì lười biếng, giỏi tuỳ hứng, dốt tuỳ hỉ... Theo ngành y để mà giết người ah ... Cha chả ...hự hự...

Lửa giận của ngài ngày càng phừng phực, mặt ngài trở nên đỏ như trái dâu chín. Ngài hít một hơi thật sâu, và ... thổi vào tôi. Cuồng phong nổi lên ...và ... tôi bay qua tận bên Tàu !!!

Tôi rơi vào giữa đám Trệt con da vàng, bụng ỏng, tóc trái đào. Chúng trợn mắt , le lưỡi nhìn tôi . Thất kinh, tôi bỏ chạy...

Tỉnh dậy, 3 ngày sau vẫn còn hoảng hốt...

Thôi nhé, vĩnh biệt trường Y và giấc mộng Bác sĩ...

...

Còn ngành Dược thì sao nhỉ ?

May quá , có Uncle Lê tung cho cái phao trong thread " How to get..."

Tuyệt quá ấy chứ. Nào là 100% có việc ổn định, lương cao, dễ get visa status ... Bên Mỹ, pà kon cũa ba mẹ tôi có tới 3 người đang là dược sĩ cơ đấy...

Vậy nhé, my way đây rồi, cứ theo sát cẩm nang của Uncle Lê là đến đích thôi. Uncle Lê muôn năm ! Trường Dược muôn năm...

Lần này tôi lại sướng rơn với giấc mộng vào trường Dược. Trời trong xanh-nắng long lanh ...

Và đêm đó tôi lại chiêm bao...

Tôi thấy mình đi dạo trên tầng mây thứ chín với cụ Tuệ Tĩnh. Cụ nói chuyện với tôi thân mật như với ... chít nội của mình. Tôi ngất ngây sung sướng. Đấy nhé, cụ tổ ngành dược Việtnam chấp thuận tôi rồi, không thể là quyết định sai được nhé !

Cụ chỉ cho tôi cánh đồng thảo dược của cụ với muôn ngàn loài kỳ hoa dị thảo. Cụ nâng niu từng cái lá, từng cọng rễ non. Cụ đọc tên vanh vách rõ ràng từng loài dược thảo và đặc tính công dụng cứ như chúng là các đứa cháu thân iu.

Theo chân cụ chừng nửa ngày, tôi mới bật ra được 1 câu hỏi mà nếu được bình bầu sẽ là câu hỏi ngu nhất trong năm :

- Làm sao cụ có thể nhớ hết tên và công dụng của chúng mà không lẫn lộn ?

Cụ nhìn tôi xa lạ như chỉ mới nhìn thấy tôi lần đầu :

- Nếu không có trí nhớ siêu việt thì không thể học ngành Dược được đâu, cháu ạ ! Đây mới chỉ là tên và công dụng thôi, còn phải biết phối hợp chúng lại, biết các quy luật tương hỗ, đối kháng, liều lượng phối trộn với nhau để có được dẫn xuất tuyệt hảo nhất, phải biết liều lượng gây chết, liều lượng giới hạn, ... ( oh my God ! )

Cụ không chê bai gì tôi nhưng ánh mắt nheo nheo thương hại. Tôi choáng váng và... rơi...

Từ chín tầng mây tôi lao thẳng xuống đất ... Lạnh toát ...

Tỉnh dậy, mồ hôi vã như tắm. Nhìn ra ngoài cửa sổ, tuyết vẫn đang rơi ...

Thế là tan tành giấc mộng pharmacer doctor.

...

Hay là chọn Finance đi, VietNam mình đang thiếu nhân lực tài chính ngân hàng đấy, thế giới cũng cần nũa. Okie thui.

Và tôi vẩn vơ nghĩ đến tương lai... Tôi sẽ là 1 kinh kỹ tài giỏi ở phố Wall... Tôi thấy mình đang bắt tay Warren Buffet ở bữa trưa thân mật . Ông nói với tôi :

- Thương trường là chiến trường cháu ạ. Stock market là biển cả, tiềm ẩn nhũng con sóng thần. Các nhà tài phiệt là lũ cá mập, ăn thịt lẫn nhau , huống hồ miếng mồi ngây thơ như cháu. Về nhà đi. Đằng sau nhà tài phiệt là bóng dáng của tội ác đó. Về nhà đi cháu ngoan... Hãy ngoan ngoãn là nhân viên gương mẫu, mẫn cán của cái Bank nào đó cho yên thân...

Tôi rùng mình, thấy mình ảo tưởng giữa ban ngày...

...

Sau đó, ngày vẫn nối tiếp ngày , trĩu nặng hoang mang ...

Hay là cứ chọn đại major nào đó đi. Sau này, nếu thấy ko thích thì chọn lại ... So đo lắm chỉ khổ thân ... Đâu phải như ở VN , chọn sai chỉ có thể " tự do hay là chết ? " đâu mà lo...

Rưng mà, ngộ nhỡ chọn lần 2 vẫn sai thì sao ? Không lẽ cả tuổi thanh xuân cứ phí hoài trong cái chong chóng ấy à ? Suy nghĩ chín chắn chút đi. Mình thích làm gì nhỉ ? Mình muốn làm gì nhất ? Mình có khả năng về lĩnh vực nào nhất ? Việc gì làm cho mình wan tâm đến độ đam mê ?

Khổ quá, nếu trả lời được những câu hỏi này một cách dứt khoát thì đâu có gì phải bàn nũa...

Cứ thử trả lời xem sao...

Câu 1 : Tôi thích làm gì nhất ?

Câu này chỉ dám trả lời thầm thui. Ai nghe thấy mà ko ... pó tay, chít lìn á...

Tôi thích nhất là ngủ nướng thêm 1 chút mỗi sáng. Tôi thích ở nhà với gia đình, ko phải tha hương tầm sư học đạo thế này. Tôi thích sự ổn định và bình yên. Tôi thích được yêu thương và quý trọng. Tôi thích... Phùh!... Thích đủ thứ...

Câu 2 : Tôi muốn làm gì nhất ?

Câu này mới khó. Từ nhỏ đến giờ, có bao giờ được tự do phát biểu ý kiến đâu, lúc nào cũng làm theo lời người khác . Đền môn văn là môn có thể có ý riêng nhiều nhất vẫn phải làm đúng y như dàn bài mẫu, khác là bị trừ điểm. Riết rồi quen, đâu có "muốn" gì nũa đâu ! Cứ rập khuôn cho nhàn hạ khỏi mất công suy nghĩ.

Câu 3 : Tôi có khả năng về lĩnh vực nào nhất ?

Để coi ...

Một chút khiếu vẽ, nhưng không thích làm hoạ sĩ, chỉ thích trang trí cho bất kỳ cái gì tôi vớ phải . Chút tài vặt chỉ đủ cho bạn bè nhờ vả lấy chầu kem thui...

Mẹ hay khen tôi : nhỏ này ko lam thì thôi, làm gì cũng làm tới nơi tới chốn. Giao cho đi mua cái gì thì hoàn toàn yên tâm là lựa chọn tốt nhất. đàm phán tốt, có khiếu kinh doanh đó . ( ặc... ặc... xấu hổ muốn chit lun !)

Ngoài ra thì việc gì cũng dở tệ ...

Câu 4 : Việc gì làm tôi quan tâm đến độ đam mê ?

Chưa thấy... Nhưng cũng hơi lăn tăn điều này :

Ở Mỹ, lớp Art rất thoải mái, đồ dùng xài miễn phí, tài liệu tham khảo nhiều vô kể. Tôi có thể ở đó cả ngày, thậm chí cả tuần để ..."sáng tác" mà không thấy chán (mấy ông hoạ sĩ mà thấy những bản vẽ này bảo đảm lăn đùng ra xỉu liền á - dù thế , tôi rất thích ngắm "tác phẩm" của mình) .

Nhưng nhũng trẻ mẫu giáo cũng vậy, tụi nó cũng ngồi vẽ cả ngày , đâu thể nói đó là năng khiếu hoặc đam mê !

Ngày Homecoming trường tôi, tôi xung phong đi bán áo thun lưu niệm . Vui thiệt vui . Áo màu đen, in hình đầu bò màu trắng, xấu kinh dị lun. Trong vòng 2 giờ, tôi bán hết sạch, quên cả phần của mình . Cuối cùng phải năn nỉ mua lại 1 cái làm kỷ niệm của 1 bà phụ huynh. Họ mắc cười wá, tặng luôn cho tôi 2 cái. Thế có gọi là khiếu kinh doanh ko nhỉ ?

...

Huhm, Viết loăng quăng cả buổi vẫn chưa biết sẽ học gì...

Đau đầu quá...

Lan man... phần 2

Mình sắp được về nhà !

Về nhà ...

2 chữ đơn giản mà sao ẩn chứa bao sự diệu kỳ. Nó làm cho tôi thấy bầu trời Arkansas qua ô cửa nhỏ bỗng đẹp hơn. Nỗi thất vọng về mình qua nhanh. Tôi không trốn trong chăn tấm tức nữa, mà ra hiên nhìn tuyết rơi.

Năm nay, Arkansas vừa có tuyết, vừa có bão. Vậy mà nghe nói ở đây ít khi tuyết rơi lắm . Mấy hôm đầu , tôi thấy tuyết chẳng có gì thú vị . Tuyết gì mà như cục đá, rơi xuống đường nghe lộp độp, trúng đầu đau ơi là đau. Chắc mấy ông nhà văn nhà thơ cứ thi vị hóa nó lên thôi. Tuyết rơi xong, đường bị đóng băng , xe không chạy được. Nơi tôi ở vẫn còn nhiều đường đất nên xe dọn tuyết không thể làm việc . Thế là nghỉ học . Có khi nghỉ cả tuần. Nghỉ học lâu mới thấy hết cái sự chán và nhớ nhà . Lại còn lạnh nữa, vô cùng lạnh... Thế nên , tôi không thích tuyết.

Nhưng tôi lầm...

Hôm nay, tuyết rơi đẹp lắm. Nhẹ như bông ( xém chút là tôi nói thêm mềm như lụa cho nó ... văn vẻ ). Tuyết phủ khắp nơi , trắng xóa và không lạnh như hôm trước.

Mọi thứ lẫn trong tuyết thật lạ. Cảm xúc bỗng dâng trào. Ngắm nghía ô cửa sổ tuyết phủ lấm tấm , tôi nghĩ đến khung cảnh ấm cúng bên trong với 1 bữa tối thân mật , nỗi nhớ nhà như được nhân đôi theo tiếng thở dài kìm nén. Nhìn những cành cây trơ xương phủ đầy tuyết tôi liên tưởng đến sự bền bỉ, gan dạ, một quyết tâm sống còn của những linh hồn đơn độc. Những vạt đất đen bị che khuất trong băng gợi lên những trăn trở , lo toan của cuộc sống bộn bề luôn bủa vây làm thay đổi những trái tim mỏng manh, dung dị.

Tôi bâng khuâng nghĩ đến nhũng thách thức mà tôi sẽ phải vượt qua. những khó khăn mà tôi sẽ phải nếm trải. Liệu tôi có đủ nghị lực và kiên nhẫn đi tiếp con đường mình chọn , như nhũng cành cây can trường trong gió tuyết , như vạt đất giản dị lặng lẽ chịu đựng dưới chân , Cô đơn và khí phách ?

18 tuổi. Tôi trở nên lẩm cẩm như đã 28. Có phải đó là dấu hiệu trưởng thành ?

SSN
Cảm xúc sau cú shock bị điểm TOEFL kém

Lẩn thẩn vể khuya - Chỉ tại nỗi nhớ...

Về nhà,

Vậy là còn 75 ngày nữa tôi được về nhà.
Ôi ! Tôi lẩn thẩn thật rồi...
Từ bao giờ vậy nhỉ ?

Có lẽ ... từ cái ngày ... tôi thử đếm xem còn bao nhiêu ngày nũa tôi sẽ rời nước Mỹ.
Kể từ lúc đó, tờ lịch bỏ túi mẹ cho trở thành vật thân thiết . Tôi nhìn nó mỗi sáng thức dậy, ngắm nó mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi mân mê nó như thể sẽ có ... ông thần lịch xuất hiện để thu ngắn lại thời gian, rồi lẩn thẩn đếm đi đếm lại số ngày còn lại , sợ mình nhầm lẫn , như 1 cô bé lớp lá tập đếm số lần đầu.

Có lẽ... từ ngày tôi lẩm nhẩm tính xem bữa ăn trưa của tôi bằng bao nhiêu tiền Việt Nam ; chi phí cho 1 năm du học của tôi bằng bao nhiêu năm tiết kiệm của gia đình ...

Có lẽ ... từ ngày tôi biết kiềm chế mình , cố gắng "nice" với những người xa lạ. Biết rằng không thể chỉ làm những điều mình thích mà còn phải làm những điều cho người khác vui lòng.

Có lẽ... từ ngày tôi biết độc lập trong chi tiêu, Biết phân biệt thứ mình cần và thứ mình muốn. Để thấy mình già như cây tre trăm tuổi ...

Có lẽ... từ ngày các thần tượng âm nhạc, điện ảnh Châu Á không còn được nhắc đến mỗi ngày, Thay vào đó là các ưu tư về ACT, SAT,TOEFl... Các thần tượng Ivy League , Scholarships , Fin- aid ... chập chờn trong giấc ngủ tuổi 18 tinh khôi.

Có lẽ... từ ngày tôi biết dân tộc mình nhỏ bé, không ai biết đến, y hệt như mình giữa dân Mỹ phồn vinh. Lòng tự nhủ, làm sao để không ai nhìn mình có thể coi thường hai chữ VIETNAM, dù sức mình nhỏ bé ...

Và hơn hết...

Có lẽ ... từ ngày tôi biết thế nào là nỗi nhớ.

Tôi nhớ từng con đường ồn ào bụi bặm, mỗi căn hộ bên đường là 1 điểm kinh doanh, chẳng có lá me bay hay ánh trăng thơ mộng, chỉ có nắng, bụi , khói và tiếng mời chào mua vé số lẫn trong đủ thứ tiếng ồn ã của nhịp điệu Saigon.

Tôi nhớ ngôi trường màu vôi đã cũ. Sau mỗi trận mưa, sân trưởng trở thành giòng sông với những con thuyền giấy chở đầy thơ học trò vụng dại. Và lũ chúng tôi sắn quần lội bì bõm, áo dài trắng học trò trở thành áo tứ thân.

Tôi nhớ ly kem 2000 đồng dở ẹt , bọn tôi thi nhau ăn để đủ ly xây tháp thật cao, rồi cùng dốc hết túi để trả tiền và đôi khi phải cử "miss dịu dàng" làm thuyết giáo với lời hứa " cho tụi con thiếu, lần sau..."

Tôi nhớ những gói bánh tráng muối 500 đồng " mất vệ sinh" mua trước cổng trường , tụi tôi chuyền tay nhau ăn vụng trong lớp. Vừa mặn , vừa dai nhưng ngot ngào bởi tiếng cười khúc khích kìm nén trong miệng .

Tôi nhớ những tối học thêm, nhũng ngày hội trại , những khuôn mặt bè bạn thân quen, nhũng thầy cô tôi yêu quý và cả nhũng thây cô tôi không yêu quý cùng nhũng trò quỷ quái tôi làm khổ họ.

Tôi nhớ góc lớp tôi ngồi , có đôi vợ chồng chim sẻ hạnh phúc ngoài hiên...

...

Và hơn hết thảy ...

Tôi nhớ ngôi nhà nhỏ chất đầy kỷ niệm tuổi thơ , nhớ đứa em trai quậy phá tôi mỗi ngày, nhớ cái roi mây của ba trên mông đau điếng, nhớ nhũng buổi picnic đầm ấm gia đình, thèm làm sao bữa cơm mẹ nấu ...

Ôi ! Tôi mong đến ngày được ôm mẹ biết bao. Trong vòng tay mẹ là một trời bình yên và hạnh phúc ...

Và ... tôi cũng muốn thấy lại tia nhìn tha thiết trong ánh mắt ai đó lúc tiễn đưa ... Liệu có còn không , hay đã tan vào trong gió chiều hôm ấy ???

Còn 74 ngày nữa tôi được về nhà...


SSN
Cảm xúc của 1 đêm không ngủ.
2/3/2008