Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Truyện đầu tay - Chuyện của Sẻ

CHUYỆN CỦA SẺ
Se Sẻ Nâu


1.
KHI TÔI CÒN BÉ
Tiếc làm chi một mảnh đời đã mất…

Khi tôi còn bé – tức là khi tôi chưa đủ mười tám tuổi ấy, dù mười bảy tuổi rưỡi thì cũng vẫn cứ là còn bé, đúng không? Mà bây giờ tôi đã hai mươi, những hai mươi tuổi rồi đấy nhé! Nhớ nhà thơ nào đó đã từng mô tả : “Khi mới lớn, tuổi mười lăm, mười bảy – Làm học trò mắt sáng với môi tươi…” [1]  Thấy chưa! Mười bảy chỉ là mới lớn thôi, còn hai mươi thì hẳn phải đã lớn phổng rồi còn gì. Thế cho nên, bây giờ, tôi được gọi thời tôi gần mười tám là : Khi tôi còn bé…


Khi tôi còn bé – Chẳng biết lúc đó tôi có “mắt sáng với môi tươi” hay không nữa. Chưa hề có ai khen tôi xinh xắn hoặc dễ thương, ngay cả cha mẹ tôi – tệ thế đấy! - Mẹ luôn hét với theo khi tôi sắp sửa chạy biến ra khỏi nhà : “Có nhớ chải đầu chưa dzzzzậyyyy?” Rồi bà lầm bầm : “Con gái con lứa chi mà cả ngày không soi gương lấy một lần, chưa đi đã chạy, chẳng biết điệu đàng một chút nào. Làm sao mai mốt có bạn trai được đây!!!” hay đại loại như thế. Nhưng mẹ sai rồi, sai đến từng chi tiết nhé. Đây này:

1. Tôi chạy, vì thấy một ngày có hai mươi bốn giờ là không đủ - giá mà có đến bốn mươi tám giờ thì tốt quá – tôi thấy tiếc thời gian cho những việc vô bổ, còn quá nhiều thứ cần ưu tiên mà thời gian lại bị giới hạn. Thế nên, tôi cần phải vội vàng, và dành ưu tiên cho những việc cần ưu tiên thôi, rủi có bị vấp té thì cứ đường hoàng đứng dậy, có sao đâu nào. Có lớn chuyện gì đâu nhỉ?

2. Tôi có điệu đấy chứ. Chỉ là cách điệu đàng của tôi không theo ý mẹ thôi. Thay vì chải và vuốt cho tóc tai láng mượt, tôi lại cứ thích nó giống như bị gió thổi tung cho có vẻ hoang dã ; thay vì rẽ ngôi thẳng tắp tôi lại cho nó mang hình dzích dzắc cho nó ngầu ; thay vì áo váy kiểu công chúa là lượt nguyên nếp, tôi lại cứ ngông nghênh với quần jeans xé rách bạc thếch và áo thun tự vẽ những hình thù mẹ cho là quái dị ; thay vì mang những chiếc túi xách kinh điển của các quý cô, tôi đeo chiếc túi tự tạo với đủ thứ gắn vào đó đến nỗi ba tôi gọi đó là túi của Bắc Cái Hồng Thất Công – vị bang chủ hơi khùng khùng của bang hội ăn mày trong truyện của Kim Dung ấy mà – chưa kể đến đôi giày, nỗi kinh hoàng của mẹ tôi nhưng lại là niềm tự hào của tôi – chả là tôi đã lê lết trên phố đồ sida Hồ Xuân Hương cả tháng mới tìm ra được nó - và cả đến sợi dây chuyền mẹ tặng nhân sinh nhật thứ mười sáu của tôi nữa chứ - Sợi dây chuyền đúng hiệu PNJ, bằng vàng, lấp lánh, loăn xoăn, choi chói, mảnh dẻ, hết sức nữ tính, với cái mề đay hình trái tim khắc chữ ‘love you’ – Mẹ xém xỉu khi hôm sau thấy sáng tạo mới của tôi dành cho nó : Nó được trang trí huy hoàng và trang trọng bằng cách quấn quanh phía trước sợi dây đan đeo cổ to bằng ngón tay út nhiều màu sắc - phỏng theo thiết kế chắc là của dân tộc Maori hay đâu đó ở Châu Phi hoặc là của thổ dân da đỏ nào đó của Châu Mỹ cũng nên, cũng có thể là của dân tộc đã mất Maiya gì đó, ngay đến tôi là người tạo ra nó mà cũng còn chẳng biết đã lấy ý tưởng từ đâu nữa là – với một cái mặt trang trí hình mặt trời to bằng trái trứng vịt lủng lẳng trên đó. Ba tôi đã an ủi mẹ rằng ít nhất thì nó khó bị tụi ăn cướp giựt đứt hơn và hết sức “ấn tượng”.

3. Tôi khá là thu hút đấy chứ. Nhìn xem, tôi có nhiều bạn trai thân thiết khủng luôn – bọn con gái nói tôi hơi khùng nên phần lớn tôi chỉ chơi xã giao thôi, dĩ nhiên không kể đến nhỏ Kim, tay keyboard tuyệt vời của bọn tôi và là bạn nối khố của tôi từ thời học mẫu giáo – Khổ nỗi, đám bạn trai của tôi đâu có nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ dành cho mấy cô siêu mẫu, bọn nó nhìn tôi say đắm kiểu mấy anh lính nhìn chỉ huy tối cao của họ mới chết người. Bọn nó nuốt từng lời của tôi khi tôi nói nữa cơ, nhưng đó là khi tôi làm quân sư cho chúng đi tán gái. Bọn chúng tuân lệnh tôi răm rắp khi chúng tôi tập nhạc với nhau, khi tôi lên kế hoạch tiếp cận thần tượng hoặc kiếm tiền cho nhóm vân vân và vân vân… Vậy nên, ngày tôi rũ áo rời khỏi quê hương, hai trong số đó đã khóc lóc ra trò đến nỗi tôi phải quát lên : “Ngừng ngay! Ngập lụt hết thành phố bây giờ! Tớ chỉ đi xa thôi chứ có chết đâu!!!” Chúng vẫn len lén quệt nước mắt và than : “Sẻ đi rồi, nhóm mình tan mất thôi!” Lưu luyến nhau thế đấy! Hai năm sau, bọn chúng quên béng mất cô Sẻ con tầm thường nhỏ bé và mê mải chạy theo những Oanh, những Yến, những Sơn Ca, những Họa mi rực rỡ kiêu sa mà trước đây chúng từng trề môi : “Chảnh bà cố!” Trống, đàn để nhện giăng tơ, chẳng còn những đêm rock nữa…


Khi tôi còn bé… Mọi thứ tôi tin là tình bạn bất diệt, là tình yêu vĩnh cửu, là cuộc đời tốt đẹp, là lòng người nhân ái, là tương lai hạnh phúc, là nghĩa-nhân, là hòa ái, là yêu thương, là tất cả những gì đẹp nhất. Tôi nào có biết đến chuyện mọi thước đo của lòng người đặt trên những nền tảng không thuộc phạm trù tinh thần của một đứa trẻ ngây thơ, tin người và yêu đời. Tôi luôn được yêu thương nên cho rằng mình luôn đáng yêu - ngốc thế đấy! Vì thế, khi ở xứ người, cô đơn, lạc lõng, ngọng nghịu, đi tìm đồng hương để kết thân, tôi đã mắt tròn mắt dẹt, há hốc miệng kinh ngạc khi bị kỳ thị, bị xa lánh - y như mình vừa cướp bóc của họ thứ gì đó hoặc mình mang căn bệnh truyền nhiễm thế kỷ ấy. Tôi đã giận điên đến nỗi tuyên bố “Đây không thèm đâu nhé! Đồ Việt Kiều con! Never! Anymore!” Khi tôi còn bé thì tuyên ngôn của tôi có vẻ chắc như đinh đóng cột ấy chứ - Thật là đại ngốc! - Rất may đó chỉ là tuyên ngôn thầm lặng, không thì bây giờ thật khó ăn khó nói. Vì khi tôi không còn bé nữa, tôi đã yêu một Việt Kiều con mất rồi…

Chuyện tình yêu của tôi thật tẻ ngắt để có thể trau chuốt thành văn. Tôi đã đọc hàng ngàn tiểu thuyết, dệt biết bao giấc mơ về ‘hoàng tử của lòng tôi’, tiêu tốn cả triệu phút quý báu của cuộc đời để mơ mộng về một cuộc tình lãng mạn, nên thơ. Tôi vẽ nên hình ảnh ‘người yêu dấu’ của tôi phải cao to ít nhất bằng ba tôi (6 feet), bơi giỏi (không bằng Michael Phelps nhưng phải hơn tôi) vì tôi rất thích bơi lội, chàng phải thích đọc sách (không cần đọc nhanh và đam mê như tôi, nhưng ít ra phải thích và quý sách), chàng cũng phải biết chơi guitar để có thể chơi cùng tôi, chàng không cần phải đẹp như David của Michelangelo nhưng nụ cười đủ làm say nắng các cô gái để tôi hãnh diện khi đi bên chàng…

Thật không may, chàng của tôi chẳng được thứ nào trong bảng danh sách ấy. Chàng chỉ nhỉnh hơn tôi có 3 cm. May mà tôi chưa bao giờ là fan của giày cao gót nên tôi càng gắn bó hơn với giày lười và dép xẹp. Chàng thậm chí còn sợ nước – có lẽ do nỗi ám ảnh thời thơ ấu. Môn thể thao ưa thích của chàng là tennis và bóng rổ, hai thứ tôi chẳng thể chơi cùng ; chàng chơi tennis thuộc loại chuyên nghiệp, từng có nhiều giải thưởng, còn bóng rổ là môn thể thao thông dụng với mọi thanh niên Mỹ, vì thế, kẻ bập bõm như tôi chỉ biết đứng chầu rìa thôi. Ngoài bơi, môn thể thao thứ hai tôi có thể chơi tốt là bóng bàn, thứ mà chàng và các bạn của chàng thoạt đầu cười mũi, nhưng khi đấu với tôi, các chàng trai đầy cơ bắp, nói cười rổn rảng đã khiến tôi chán khủng khiếp vì toàn phải đi lượm banh - Các chàng toàn đánh banh lên trời thay vì vào bàn, và còn đập bể cả banh nữa cơ. Cuối cùng, chúng tôi chọn thứ cả nhóm cùng không giỏi để chơi chung : bowling. Chàng chưa bao giờ chạm tay vào bất kỳ nhạc cụ nào, và khi nghe chàng ngâm nga, tôi không chỉ há miệng kinh ngạc mà còn xém té xỉu : chàng hát loại nhạc mà tôi đã dỏng tai nghe ba mẹ tôi hát chán chê từ khi mới sinh ra đời và sau này nhóm bọn tôi đã âu yếm gọi là ‘nhạc sến lý ru em’. Xem ra, chúng tôi có vẻ xứng hợp và đẹp đôi y như muỗng và nĩa trong bộ đồ ăn của dân Tây ấy nhỉ.

Khi làm bạn với chàng, tôi bỗng dưng lọt thỏm vào một đám Việt kiều con mà tôi từng ghét cay ghét đắng. Bỗng dưng tôi không còn là Việt cộng con – cho dù tôi và gia đình tôi chưa bao giờ là như vậy (làm người lớn chán thế đấy, đầy những thành kiến, đố kỵ, căm thù vô lý…) Bỗng dưng tôi được chấp nhận, vào lúc tôi không còn cần ai chấp nhận, vào lúc tôi đã học được cách sống dửng dưng với mọi thứ, vào lúc tôi xếp những điều tôi đã tin vào ký ức “ngày xưa còn bé” và liệt kê những thứ mới mẻ khá cay đắng và chua chát vào danh sách “khi tôi đã lớn”. Số phận luôn trêu đùa con người ta, nhỉ?


2.
THUỞ BAN ĐẦU.

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy,
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên…[2]


            Hôm ấy là một chiều mưa, tôi đang lội bộ từ building trung tâm của trường ra trạm xe bus để về nhà. Cơn mưa dai dẳng và tôi không thể chờ thêm, vì quãng đường từ trạm cuối về nhà  càng khuya càng đáng sợ. Để về được đến nhà tôi phải đi hai chuyến xe khác nhau, lội bộ ba quãng đường tổng cộng 5Km vô cùng vắng vẻ. Ngày đầu tiên về đến nhà, tôi tự nhủ, cứ thường xuyên đi như thế, có lẽ tôi nên tập chạy marathon luôn cho tiện, có ngày đoạt giải Olympic cũng nên; và tôi cũng cám ơn ba mẹ đã đe dọa, khuyến khích, cổ vũ tôi tập Judo suốt bảy năm kể từ lớp một, cho dù tôi kèo nèo, năn nỉ, thậm chí giận dỗi để khỏi phải đi học, và dù không yêu thích, tôi cũng bị câu lạc bộ võ thuật dụ dỗ học thêm mấy năm karatedo và tham gia thi đấu rùm beng nữa cơ. Nhưng dù vậy, sợ vẫn cứ sợ, việc đấu trong võ đường đâu có giống ngoài đường phố. Trước đây có bao giờ tôi sống trong cảnh hoang vắng đâu cơ chứ. Saigon lúc nào cũng đông, cũng vui, xung quanh ta lúc nào cũng đầy người qua lại, hai bên đường lúc nào cũng tấp nập mua bán. Giờ đây, lầm lũi lội bộ, xung quanh không một bóng người, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe hơi lao vút qua. Nỗi sợ hãi gia tăng theo từng bước chân. Những hình ảnh bắt cóc, trấn lột trong phim ảnh bỗng dưng có vẻ hết sức sống động, hết sức thực. Vì nỗi sợ ám ảnh, lúc nào tôi cũng vội vã ra về, nhất là những tháng cuối năm trời thường tối sớm. Đó là lý do tôi không thể chờ cơn mưa dứt.

Đang lùm xùm trong chiếc áo mưa, đi co ro bên đường, tôi nghe âm thanh của một chiếc xe chạy rề rề bên cạnh. Một cái đầu đen với mái tóc ngắn vuốt keo láng mượt thò ra khỏi cửa xe. Đầu đinh khoe một hàm răng trắng bóng và một cái miệng rộng hết cỡ.

- “Hey! Có muốn đi nhờ đến trạm bus không?”

Tôi liếc chiếc xe Toyota thể thao hai cửa màu đỏ, dù trong mưa vẫn bóng lộn, lòng thầm đánh giá : “Aha! Một tay khoe mẽ!”’

-“Cám ơn. Đây quen đi bộ rồi. Tập luyện đôi chút thôi mà.”

-“Trạm bus khá xa đấy! Come on! Không ai cắn đâu!”

-“Có ai nói đến chuyện cắn đâu nhỉ?” Tôi làu bàu, lòng tự hỏi, không biết cái gã bóng bẩy này muốn gì?  Và sao biết mình đi bus???

-“Nếu không sợ cắn sao lại từ chối khi trời đang mưa.” Đầu đinh dai dẳng.

-“No.1: Tập luyện trong mưa mới có phong cách. No.2 : Sợ ướt nội thất xe đẹp rồi có người không vui vì sợ bạn gái chê. Như vậy đủ chưa?”

-“No.1: Trời mưa mau tối lắm, và bọn xấu hay lợi dụng cơ hội này để hiếp đáp các cô gái nhỏ xinh xắn đang đứng chờ bus ở trạm khi xe chưa tới. No.2 : Dù bị ướt nội thất nhưng được điểm galant với người mình để ý cũng là quá hời mà. Thôi nào, lên đi!”

-“No.1 : Đệ tứ đẳng huyền đai karatedo không sợ bọn cướp đường, và nhân thể, ai là cô gái nhỏ xinh xắn thế, không hề thấy!!!  No.2 : Vì đối tượng được để ý không có ở đây nên dụng tâm công cốc rồi. Dù sao cũng cảm ơn. Bye!”

-“No.1 : Bọn cướp ở đây có dao đấy, có thể còn có súng nữa. Karate liệu có oánh lại không? Cô gái nhỏ xinh xắn đó dễ thương lắm, không biết sao? Thật đáng tiếc!!!  No.2 : Dụng tâm hoàn toàn hữu ích, thậm chí còn đang cám ơn ông Trời vì đã mưa nữa cơ. Thôi mà, Karate, lên đi. Chúng ta đã học cùng nhau hai lớp, nhớ không, thậm chí còn đụng nhau nảy lửa ở thư viện nữa. Hôm đó ai đã dành máy in mà không thèm cám ơn nhỉ?”

-“No.1 : Karate không phải là một cái tên, nghe thật kinh dị. No.2 : Hôm đó đang không tự nhiên bị xe tăng đụng, có người quên xin lỗi đấy, còn bị mất một tấm hình nữa cơ, có kẻ rắp tâm lấy trộm không chịu trả lại, thật đáng ghét. No.3 : Máy in lúc đó chưa có ai đang xài. Có câu gọi là ‘ưu tiên phụ nữ’. Đã nghe bao giờ chưa?”

-“Chà! Càng lúc càng căng nhỉ, chiến tranh đã leo thang đến No.3 rồi, làm sao đây? Có điều khoản khoan hồng nào cho phe đầu hàng không?”

-“Ai ở không tự dưng đi gây chiến dzậy ta, còn lớn tiếng đòi khoan hồng. Quê thiệt!”

-“Thôi mà, lên đi. Mưa ướt hết rồi bịnh cho xem, Karate. Có gì thì cũng cho xin lỗi, được chưa? Hôm đó tại hơi bị đứng hình vì sững sờ, khi hoàn hồn, suy nghĩ lại được thì Karate đã đi mất rồi còn đâu. Còn tấm hình thì tại đâu có biết của ai, lượm được dưới sàn mà. Thấy dễ thương quá nên giữ làm kỷ niệm. Đó là hình ai thế? Hình Karate hồi nhỏ à? Không phải đâu, Karate đâu có dễ thương như thế. Karate chỉ chiến đấu như con mèo con chứ đâu có cười đâu nào. Bây giờ thử cười xem, nếu thấy giống thì trả lại, nếu vẫn không xác định được chủ nhân, thì tấm hình sẽ vẫn nằm yên đây làm nhiệm vụ của một thiên thần hộ mệnh. Không thể vô cớ đưa cho người khác được, đúng không? ”

Đầu đinh lật miếng che nắng xuống, vuốt nhẹ lên tấm hình cô bé sún răng, tóc cột cao kiểu cây dừa, mặc áo dài đỏ thêu hoa mai vàng, đội khăn đống màu vàng, đang ngồi trên vai ba tôi và cười toe toét với mẹ tôi, tay cầm con châu chấu tết bằng lá dừa đang đong đưa trước một rừng hoa tết trên đường hoa Nguyễn Huệ. Ôi trời ơi! Xấu hổ chết mất thôi. Tên đầu đinh chúa ăn gian này sẽ không bao giờ trả lại tôi tấm hình đó. Hắn sẽ chẳng bao giờ công nhận nụ cười sún răng đó đúng là nụ cười của tôi cho xem. Chúa ơi! Sao Ngài lại để tên đầu đinh đáng ghét đó lượm được tấm hình của con? Rồi đây hắn sẽ rêu rao khắp nơi cho mà xem !!! Làm sao bây giờ? Xuống nước thỏa thuận là tốt nhất.

-“Nếu lên xe, … trả lại tấm hình đó nhé, được không?”

-“Không. Tấm hình chỉ được trả cho chính chủ nhân. Chuyện lên xe…uhm… không liên quan.”

-“Có thể có thỏa thuận nào khác không?”

-“Không.”

-“Một thứ gì đó trong cafeteria của trường thì thế nào?”

-“Cho việc đi nhờ xe à? Okay.”

-“Không, tấm hình cơ.”

-“Không trao đổi nào về tấm hình. Chấm hết. Tấm hình chỉ được trả cho chính chủ.”

Giọt nước đã làm tràn ly. Và ly nước mắt tủi thân, buồn bã suốt từ bao lâu nay bị tôi dồn nén đã xổ tung. Tôi bậm môi, run run, nghẹn ngào. Không thể kềm chế mà cũng chẳng hiểu vì sao. Tôi ghì chặt chiếc túi xách và quay đầu bỏ chạy. Tôi chạy băng qua bãi cỏ, đầu đinh gọi theo, giọng hoảng hốt.

“Em sao thế? Karate… Anh xin lỗi, anh đùa thôi mà. Karate. Karaaateee…”




            Có những điều cay đắng tôi không thể kể cho ba mẹ tôi nghe. Vì lo lắng tôi sẽ bơ vơ nơi xứ người, ba mẹ tôi đã gởi tôi cho em trai của ông nội tôi.


[1] Thơ Đinh Hùng
[2] Thơ Hồ Dzếnh.

Không có nhận xét nào: