Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Chương 15 + 16 - TLS

15.
Marcus.


“Em muốn ăn gì đó ở quán ăn trước khi nó đóng cửa.” Blaze nài xin.
“Vậy đi đi,” Marcus nói. “Anh không đói.”
Blaze và Marcus đã ở Bower’s Point, cùng với Teddy và Lance, người đã kiếm được hai cô gái xấu xí nhất Marcus từng thấy và đang ở trong tiến trình say xỉn của họ. Thoạt đầu, Marcus đã khó chịu khi phát hiện họ ở nơi này, và Blaze đã săn lùng hắn trong những giờ qua, đang hỏi hắn đã ở đâu suốt cả ngày.
Hắn cảm thấy cô ta biết đó là vài thứ hắn làm với Ronnie, vì Blaze không ngốc. Blaze đã biết ngay từ đầu rằng hắn thích cô ấy, điều đó giải thích lý do tại sao cô ta lên kế hoạch bỏ những dĩa CD đó vào túi của Ronnie. Đó là giải pháp tuyệt hảo để Ronnie giữ khoảng cách với cô ta… Điều đó cũng có nghĩa là Marcus cũng sẽ không có cơ hội để gặp Ronnie nữa.
Điều đó làm hắn bực bội. Và rồi thấy cô ta ở đây, rên rỉ về việc đói bụng và quanh quẩn quanh hắn và quấy rầy hắn với những câu hỏi….
“Em không muốn đi một mình.” Cô than vãn lần nữa.
“Không nghe tôi nói à?’ Hắn gầm gừ. “Em có lắng nghe một chút nào điều tôi nói không vậy? Tôi đã nói tôi không đói.”
“Em đâu có nói anh phải ăn đâu…” Blaze lầm bầm, khuất phục.
“Em im miệng về điều đó được chưa?”
Điều đó làm ngừng cô ta. Dù sao đi nữa, ít ra cũng được vài phút. Hắn có thể nói theo cách cô ta đang trề môi rằng cô ta muốn hắn tạ lỗi. Phải rồi, tốt, điều đó sẽ không xảy ra đâu.
Quay người về hướng biển, hắn thắp trái banh lửa của hắn, giận dữ khi thấy cô ta vẫn ở đây. Giận dữ rằng Teddy và Lance ở đây, trong lúc hắn muốn thanh bình và yên tĩnh. Giận dữ rằng Blaze đã xua đuổi Ronnie và đặc biệt giận dữ rằng hắn đã giận dữ với mọi thứ. Điều đó không giống hắn và hắn ghét cái cách hắn đang cảm thấy. Hắn muốn đá vào thứ gì đó hoặc ai đó, và khi hắn liếc nhìn Blaze và thấy cô đang trề môi, cô đứng trên đầu danh sách. Hắn quay đi, ước chi hắn có thể uống bia và bật nhạc lên và suy nghĩ trong sự riêng tư một lúc. Không có tất cả những kẻ này quấy rầy hắn.
Hơn nữa, hắn không thật sự giận dữ với Blaze. Quỷ thật. Thoạt đầu khi hắn nghe về những gì cô ta làm. Hắn có phần hài lòng về chúng, cho là chúng sẽ làm trơn tru con đường giữa hắn và Ronnie. Anh gãi lưng cho tôi, tôi gãi lưng lại cho anh, mọi chuyện vẫn như thế. Nhưng khi hắn đề xuất điều đó với Ronnie, cô đã phản ứng như thể hắn là một loại dịch bệnh, như thể cô thà chết còn hơn lại gần hắn. Nhưng hắn không phải loại người hay bỏ cuộc, và hắn đoán, cuối cùng, cô hẳn phải nhận ra rằng đó là cách duy nhất để cô thoát khỏi tình trạng hỗn độn này. Vì vậy hắn đến nhà cô làm một cuộc viếng thăm nho nhỏ, hy vọng có một cơ hội để nói chuyện. hắn quyết định sẽ hành động dịu nhẹ và lắng nghe môt cách thông cảm khi cô nói chuyện về điều đáng sợ Blaze đã làm. Họ có thể đi dạo và có lẽ kết thúc dưới bến tàu, và sau đó bất luận việc gì phải xảy ra, sẽ xảy ra, đúng không?
Nhưng khi hắn đến nhà cô, Will đã ở đó. Với tất cả mọi người, Will ngồi ngay ở đó, trên một đụn cát, đợi để nói chuyện với cô. Và cuối cùng Ronnie cũng ra ngoài và nói chuyện với anh ta. Thật sự thì, họ dường như đã cãi nhau, nhưng với cách họ đang hành động, có điều gì đó thẳng thắn giữa họ, thứ cũng chọc giận hắn. Vì điều đó có nghĩa là họ quen biết nhau. Vì điều đó có nghĩa bọn họ chắc chắn là một cặp.
Điều đó có nghĩa là tất cả những gì hắn đọc được ở cô là không đúng.
Và rồi? Oh đúng là ngựa non háu đá. Sau khi Will đi khỏi, Ronnie đã nhận ra là cô có đến hai người khách viếng thăm, không phải chỉ một. Khi cô nhận ra hắn đang quan sát cô, hắn biết một trong hai điều ắt phải xảy ra. Hoặc cô đến và nói chuyện với hắn trong hy vọng sẽ khiến Blaze nói ra sự thật, hoặc cô hành động với tất cả sự sợ hãi giống như cô đã có lúc trước và chạy vào trong nhà. Hắn thích sự việc rằng hắn có thể dọa cô sợ. Hắn có thể sử dụng điều đó như một lợi thế của hắn.
Nhưng cô không làm điều gì trong cả hai điều đó. Thay vì thế, cô đã nhìn trừng trừng về hướng của hắn như thể nói rằng, lộ diện đi. Cô đứng trên hiên, ngôn ngữ cơ thể cô tỏ dấu hiệu thách thức giận dữ, cho đến khi, cuối cùng, cô vào trong nhà.
Chưa ai từng làm điều đó với hắn. Đặc biệt là những cô gái. Cô nghĩ cô là kẻ quái nào chứ? Dù thân hình nhỏ bé hiếm có hay không, hắn không thích điều đó. Hắn không thích điều đó một chút nào.
Blaze cắt ngang suy nghĩ của hắn. “Anh có chắc là anh không muốn đi không?”
Marcus quay nhìn cô ta, cảm thấy một thôi thúc đột ngột muốn xóa sạch trí nhớ của hắn, để bình tĩnh lại. Hắn biết ngay hắn cần gì và ai sẽ trao nó cho hắn.
“Đến đây nào.” Hắn nói, cố nặn ra một nụ cười. “Ngồi cạnh anh. Anh chưa muốn em đi ngay.”


16.
Steve.

Steve nhìn lên khi Ronnie trở vào nhà. Dù cô cười, cố gắng để an lòng ông rằng không có gì sai, ông không thể không nhận ra biểu hiện của cô khi cô chộp lấy quyển sách của cô và mang nó về phòng
Điều gì đó dứt khoát không đúng.
Ông chỉ không chắc là điều gì. Ông không thể xác định được là cô đang buồn hay giận dữ hay sợ hãi, và trong khi ông cân nhắc việc cố gắng nói chuyện với cô, ông khá chắc chắn rằng bất kể điều gì đang xảy ra, cô muốn đối phó với nó một mình. Ông cho rằng đó là điều bình thường. Ông có thể đã không ở bên cô nhiều trong thời gian gần đây, nhưng ông đã dạy dỗ các thiếu niên trong nhiều năm, và ông biết khi nào thì đứa trẻ muốn nói chuyện với ông – khi nào chúng có điều gì đó quan trọng để nói – dạ dày của ông thít chặt trong lo lắng.
“Cha ơi.” Jonah nói.
Trong lúc Ronnie ra ngoài, ông đã ngăn cấm Jonah nhìn qua cửa sổ. Đó có vẻ là điều đúng đắn để làm, và Jonah nhận ra tốt nhất là không nên tranh cãi. Cậu bé đã tìm thấy Sponge Bob trên một trong những kênh truyền hình và xem chúng một cách vui vẻ trong suốt mười lăm phút.
“Gì hở con?’
Jonah đứng lên, vẻ mặt của cậu bé nghiêm trọng. “Thứ gì có một mắt, nói tiếng Pháp, và thích bánh cookie trước giờ đi ngủ?”
Steve ngẫm nghĩ về câu hỏi. “Cha không có ý tưởng nào hết.”
Jonah vươn tay lên và che mắt bằng một tay. “Moi.” (Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất trong tiếng Pháp- Tôi)
Steve cười khi ông đứng dậy khỏi ghế, đặt quyển Kinh Thánh xuống. Cậu nhóc đã khiến ông cười nhiều. “Đi nào. Cha có một ít bánh Oreos trong bếp.” Họ đi theo hướng đó.
“Con nghĩ Ronnie và Will đã có một trận chiến.” Jonah nói, kéo bộ Pajamas của cậu lên.
“Đó là tên cậu ta sao?”
“Đừng lo. Con đã điều tra anh ấy rồi.”
“Vậy à.” Steve nói. “Tại sao con nghĩ họ đã có một trận chiến vậy?”
“Con có thể nghe thấy họ mà. Will nghe có vẻ nổi điên.”
Steve nhướng mày với cậu bé. “Cha tưởng con đang coi film hoạt hình chứ.”
“Con đã. Nhưng con vẫn có thể nghe thấy họ.” Jonah nói một cách thản nhiên.
“Con không nên lắng nghe cuộc trò chuyện của người khác.” Steve khiển trách.
“Nhưng thỉnh thoảng chúng cũng thú vị lắm”
“Nó vẫn sai.”
“Mẹ đã cố lắng nghe khi Ronnie nói chuyện qua điện thoại. Và mẹ còn nghe lén điện thoại của Ronnie khi chị ấy tắm và kiểm tra cả tin nhắn của chị ấy nữa.”
“Bà ấy đã làm thế ư?” Ông cố để nghe có vẻ không quá ngạc nhiên.
“Vâng. Mẹ có cách nào khác để truy tìm dấu vết của chị ấy nữa chứ?”
“Cha không biết… Có lẽ họ nên nói chuyện.” Ông đề xuất.
“Vâng. Hay đấy.” Cậu bé khịt mũi. “Ngay cả Will cũng không thể nói chuyện với chị ấy mà không cãi cọ. Chị ấy khiến mọi người nổi điên.”


Khi Steve lên mười hai, ông có vài người bạn. Trong giữa khoảng thời gian đến trường và việc luyện tập piano, ông có một ít thời gian rảnh rỗi, và người ông thường nói chuyện nhất là mục sư Harris.
Vào thời điểm đó trong cuộc đời ông, piano trở thành nỗi ám ảnh, và Steve thường tập luyện từ bốn đến sáu giờ mỗi ngày, lạc lối trong thế giới của những giai điệu và sáng tác. Lúc đó ông thắng nhiều giải thi đấu địa phương và toàn bang. Mẹ ông chỉ có mặt trong lần đầu tiên, và cha ông chưa một lần đến. Thay vì thế, ông thấy bản thân thường ngồi trên ghế trước xe hơi với mục sư Harris, khi họ du hành đến Raleigh hoặc Charlotte hoặc Atlanta hoặc Washington, D.C. Họ trải qua nhiều giờ đằng đẵng chuyện trò, và dù mục sư Harris là một người mộ đạo và cầu Chúa Kitô trong phần lớn cuộc đàm luận, luôn nghe có vẻ tự nhiên như ai đó từ Chicago bình luận về tính phù phiếm vô tận của những giải thưởng trong suốt cuộc ganh đua cờ hiệu.
Mục sư Harris là mẫu người hướng dẫn những mảnh đời bị tàn phá, ngài kêu gọi một cách nghiêm túc, và phần lớn các buổi tối, ngài phục vụ các giáo dân, không tại bệnh viện thì cũng tại nhà tang lễ hoặc những buổi hội họp các thành viên mà ngài coi như bạn hữu. Ngài cử hành lễ cưới và lễ rửa tội vào mỗi cuối tuần, và ngài có nhóm thân hữu vào tối thứ tư, vào thứ ba và thứ năm ngài làm việc với ca đoàn. Nhưng mỗi tối, trước lúc hoàng hôn, và bất luận thời tiết thế nào, ngài dành riêng cho bản thân một giờ đi dạo trên bãi biển một mình. Khi ngài quay về, Steve nhận thấy, thời gian tĩnh mịch đó phải là những gì vị mục sư cần. Có một sự yên ổn và thanh bình trên vẻ mặt ngài mỗi khi ngài quay về từ cuộc đi dạo đó. Steve thường cho rằng đó là cách giác ngộ về sự tĩnh mịch của mục sư – cho đến khi ông hỏi ngài về điều đó.
“Không.” Mục sư Harris đáp. “Ta đâu có đi dạo trên bãi biển một mình, vì điều đó là không thể, ta đi và nói chuyện với Thiên Chúa.”
“Cha muốn nói là cầu nguyện?”
“Không.” Mục sư Harris lập lại. “Ý ta là nói chuyện. Đừng bao giờ quên Chúa là bạn con. Và như tất cả những người bạn, Người mong được lắng nghe những gì đang xảy đến trong cuộc đời con. Dù tốt hay xấu, dù đầy đau khổ hoặc giận dữ, và ngay cả khi con đang phân vân tại sao những thứ đáng kinh sợ lại xảy ra. Vì vậy ta nói chuyện với Người.”
“Cha nói những gì?”
“Con nói gì với bạn bè của con?”
“Con không có bạn.” Steve nở một nụ cười gượng gạo. “Ít nhất con có thể nói như thế.”
Mục sư Harris đặt một bàn tay an ủi trên vai ông. “Con có ta.” Khi ông không đáp, mục sư Harris siết chặt vai ông. “Chúng tôi nói chuyện theo cách thức tương tự như con và ta đang làm.”
“Người có trả lời không?” Steve hoài nghi.
“Luôn luôn.”
“Cha nghe thấy Người sao?”
“Phải,” Ngài đáp, “nhưng không phải bằng tai.” Ngài đặt một tay lên ngực. “Đây là nơi ta nghe thấy câu trả lời. Đây là nơi ta cảm nhận sự hiện hữu của Người.”


Sau khi hôn lên má Jonah và đặt cậu bé vào giường, Steve dừng chân bên cửa để nghiên cứu con gái ông. Thật ngạc nhiên cho ông, Ronnie đang say giấc khi họ vào phòng, và mọi thứ làm cô buồn phiền khi cô trở về nhà đã không còn dấu vết. Gương mặt cô thư giãn, mái tóc đổ như suối trên gối, hai cánh tay đặt gần ngực. Ông cân nhắc không biết có nên hôn cô chúc ngủ ngon hay không, nhưng quyết định để cô ngủ yên, cho phép giấc mơ của cô buông trôi không gián đoạn, giống như giòng nước tuyết tan dập dờn xuôi dòng, đi đến nơi chúng muốn đến.
Tuy vậy, ông không thể mang bản thân rời đi ngay được. Có điều gì đó thật êm đềm khi nhìn những đứa trẻ của ông yên giấc, và khi Jonah lăn tròn ra cạnh giường, xa khỏi ánh đèn trên tường, ông tự hỏi, đã bao lâu rồi kể từ khi ông được hôn Ronnie chúc ngủ ngon. Trong năm trước khi ông tách khỏi Kim, Ronnie đã đến giai đoạn mà cô bé cảm thấy lúng túng. Ông nhớ rõ đêm đầu tiên khi ông nói ông sẽ đem cô vào giường, ngay khi nghe cô đáp, “Cha không phải làm thế nữa đâu. Con ổn mà.” Kim đã nhìn ông với một biểu hiện buồn phiền : Bà biết rằng Ronnie đã lớn, nhưng dù như thế, việc vượt qua tuổi thơ của Ronnie đã để lại một nỗi đau đớn trong trái tim bà.
Không giống Kim, Steve không cảm thấy dằn dỗi về việc Ronnie đã khôn lớn. Ông nghĩ về cuộc đời của ông trong lứa tuổi tương tự và nhớ lại việc thực hiện những quyết định riêng của mình. Ông nhớ đến việc hình thành những quan niệm của riêng ông về thế giới và những năm tháng khi ông dạy học chỉ củng cố thêm ý tưởng rằng sự thay đổi không chỉ là không thể tránh được mà còn thường mang lại những phần thưởng của riêng nó. Có những lúc, khi ông ở cùng học sinh trong phòng học, lắng nghe chúng kể về sự đấu tranh với cha mẹ chúng, về cách những bà mẹ cố gắng thế nào để làm bạn với chúng, hoặc cách những người cha cố gắng ra sao để kiểm soát chúng. Những giáo viên khác trong trường có vẻ cho rằng ông có một mối giao tiếp tự nhiên với học trò, và thông thường, khi những đứa trẻ rời đi, ông kinh ngạc khi khám phá ra rằng nhiều học sinh cũng cảm thấy theo cách tương tự. Ông không dám chắc về lý do. Phần lớn các lần, ông chỉ lắng nghe trong im lặng, hoặc đơn giản chỉ điều chỉnh các câu hỏi của chúng, ép các học sinh tự đưa ra kết luận của riêng chúng, và tin tưởng rằng, trong phần lớn các tình huống, chúng thường đưa ra các quyết định đúng. Ngay cả khi ông cảm thấy cần nói điều gì đó, ông chỉ đưa ra những ý kiến chung chung bậc nhất mang tính tiêu biểu của các nhà tâm lý vô bổ. “Dĩ nhiên là mẹ em muốn thành bạn của em rồi.” Ông bày tỏ, “Bà ấy đang bắt đầu nghĩ đến em nhiều hơn, như kiểu một người trưởng thành mà bà ấy muốn biết.” Hoặc, “Cha em biết rằng ông ấy đã có những lỗi lầm trong cuộc đời của ông ấy, và không muốn em phạm phải những lỗi lầm tương tự.” Suy nghĩ bình thường, của một người bình thường, nhưng với sự ngạc nhiên của ông, đám trẻ đôi khi quay người ra cửa sổ trong im lặng, như thể đang hấp thụ điều gì đó uyên thâm lắm vậy. Thỉnh thoảng, ông nhận được cuộc gọi của các phụ huynh sau đó, cám ơn ông đã nói chuyện với con cái họ và nhận ra rằng chúng dường như có tâm trạng tốt hơn trước đó. Khi ông gác điện thoại, ông cố nhớ lại những gì ông đã nói với hy vọng rằng ông có nhiều sự sáng suốt hơn ông nhận ra, nhưng ông chỉ thấy trống rỗng.
Trong sự yên tĩnh của căn phòng, Steve nghe hơi thở của Jonah bắt đầu chậm lại. Ông biết con trai ông đã rơi vào giấc ngủ; mặt trời và không khí tươi mát vô tận đã làm cậu bé kiệt sức theo cách mà Manhattan không bao giờ có thể. Về phần Ronnie, ông an tâm rằng giấc ngủ đã xóa đi tình trạng căng thẳng của những ngày đã qua. Gương mặt cô thanh thản, gần như thiên thần, và không biết làm sao lại gợi ông nhớ đến vẻ mặt của mục sư Harris sau cuộc đi dạo của ngài trên bãi biển. Ông ngắm nhìn cô bé trong sự tĩnh mịch tuyệt đối của căn phòng, một lần nữa mong mỏi một dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngày mai, Ronie có lẽ sẽ ra đi, và nghĩ đến điều đó, ông lưỡng lự bước đến bên cô. Ánh trăng chảy tràn qua khuôn cửa sổ, và ông nghe âm thanh đều đặn của sóng biển bên ngoài cửa kính. Ánh sáng dịu dàng của những ngôi sao xa xôi chiếu lung linh một sự xác tín siêu nhiên, như thể Thiên Chúa đang loan báo về sự hiện hữu của Người ở nơi nào đó khác nữa. Đột ngột, ông cảm thấy mệt. Ông đã cô đơn, ông nghĩ, ông sẽ luôn cô đơn. Ông khom xuống và hôn Ronnie thật dịu dàng trên má, cảm thấy lần nữa cơn sóng ngầm tình yêu ông dành cho cô, niềm vui sướng cũng mãnh liệt ngang với nỗi đau đớn.

Ngay trước rạng đông, suy nghĩ hồi tỉnh của ông – thật ra là một cảm xúc thì đúng hơn – rằng ông nhớ việc chơi đàn piano xiết bao. Khi ông nhăn mặt vì cơn đau có thể đoán trước quặn lên trong dạ dày, ông cảm thấy một thôi thúc muốn lao vào phòng sinh hoạt chung và đánh mất bản thân trong âm nhạc.
Ông tự hỏi không biết khi nào ông có cơ hội để chơi đàn lại. Lúc này, ông hối tiếc đã không có những người quen trong thị trấn; có những lúc, kể từ khi ông phủ ván che cây đàn piano, ông đã mơ tưởng đến việc ghé qua nhà một người bạn với yêu cầu được thỉnh thoảng sử dụng piano trong phòng sinh hoạt chung của họ, một thứ mà người bạn ảo tưởng của ông xem như một món trang trí. Ông hình dung bản thân lấy một chỗ ngồi trên chiếc ghế dài phủ bụi khi bạn ông quan sát từ bếp hoặc phòng giải trí – ông không hiểu rõ điều này cho lắm – và ngay lập tức, ông bắt đầu chơi một giai điệu sẽ khiến bạn ông rơi lệ, giai điệu mà ông đã không thể đạt tới trong suốt những năm tháng dài lưu diễn.
Ông biết đó là sự mơ tưởng hão huyền, nhưng không có âm nhạc, ông cảm thấy mất phương hướng và chông chênh. Vươn dậy khỏi giường, ông ép buộc những ý nghĩ ảm đạm đó rời khỏi. Mục sư Harris đã kể với ông về một cây đàn dương cầm mới đã được đặt hàng cho nhà thờ. Một món quà từ một trong những thành viên giáo xứ, và Steve được chào đón để chơi đàn ngay khi nó đến. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra cho đến cuối tháng bảy, và ông không dám chắc ông còn có thể chờ được cho đến lúc đó hay không.
Thay vì thế, ông lấy một chỗ ngồi bên bàn bếp và đặt đôi bàn tay lên mặt bàn. Với đủ sự tập trung, ông có thể nghe được âm nhạc từ trong trí nhớ. Chẳng phải Beethoven đã sáng tác bản Eroica* khi ông gần như điếc hay sao ? Có lẽ ông cũng có thể nghe được những âm thanh từ trong đầu của mình, theo cách của Beethoven. Ông chọn một bản Concerto mà Ronnie đã chơi tại buổi biểu diễn của cô bé tại Carnegie Hall; khép mắt lại, ông tập trung vào đó. Thoạt đầu, nhạc khúc làm nản lòng khi ông bắt đầu di chuyển những ngón tay. Dần dần, những nốt nhạc và các hợp âm trở nên rõ ràng hơn và dễ nhận thấy hơn, và dù không thuyết phục bằng việc chơi thật sự trên đàn piano, ông biết điều này sẽ làm được.
(*Eroica : Bản giao hưởng số 3 cung Mi giáng trưởng – theo tiếng Ý có nghĩa là Anh Hùng.)
* Ludwig van Beethoven : Là một thiên tài âm nhạc người Đức, nhưng gần như sống cả đời tại Wien-Áo. Các kiệt tác của ông phải kể đến bản giao hưởng số 2 cung D, bản giao hưởng số 3 cung Mb-Anh Hùng Ca, Bản giao hưởng số 5 cung Db-Định mệnh, bản giao hưởng số 6 cung F – Đồng quê… các bản sonata nổi tiếng như sonata Ánh trăng, sonata Bi Tráng… các concerto như concerto số 2, số 5 cũng hết sức tuyệt.)
Với tiết tấu cuối cùng của bản concerto ngân vang trong trí nhớ, ông chậm rãi mở mắt và thấy bản thân đang ngồi trong gian bếp mờ tối. Mặt trời sẽ ló dạng nơi chân trời trong vài phút nữa, và không hiểu sao, ông nghe âm vang một nốt đơn, nốt Si giáng (Sb), kéo dài và trầm, lôi cuốn ông. Ông biết ông chỉ tưởng tượng ra nó, nhưng nốt nhạc ấy cứ vang vọng mãi, và ông thấy mình chộp lấy một cây viết và tờ giấy.
Ông vội vàng phác thảo những khuôn nhạc và ghi nhanh những nốt nhạc trước khi nhấn những ngón tay trên mặt bàn một lần nữa. Âm thanh lại ngân lên, nhưng lần này kéo theo nhiều nốt khác nữa, và ông cũng nguệch ngoạc những nốt đó vào giấy.
Ông đã sáng tác nhạc gần như suốt cuộc đời, nhưng dù ông đánh giá những giai điệu của ông như những bức tượng nhỏ sánh với những pho tượng lớn mà ông thường thích chơi hơn. Lần này có lẽ cũng không có gì đáng kể, nhưng ông cảm thấy bản thân bị kích động với những rung cảm. Điều gì sẽ xảy ra nếu ông có thể sáng tác ra thứ gì đó… truyền cảm? Thứ gì đó sẽ được nhớ đến lâu dài sau khi ông bị quên lãng?
Mộng tưởng không kéo dài lâu. Ông đã cố gắng và thất bại trong quá khứ, và ông không nghi ngờ khả năng sẽ thất bại lần nữa. Nhưng dù như thế, ông cảm thấy hài lòng về những gì ông thực hiện. Có vài thứ gây xúc động mạnh về những hoạt động sáng tạo ra một thứ từ sự không có gì. Dù ông đã không tiến xa với giai điệu – sau nhiều lần thử, ông trở lại với những nốt nhạc đầu tiên đã viết và quyết định bắt đầu viết tiếp – vì lý do nào đó, ông cảm thấy hài lòng.
Khi mặt trời đã lên đỉnh cồn cát, Steve đóng những suy nghĩ ảm đạm của ông trước khi quyết định đi dạo trên bãi biển. Hơn bất kỳ thứ gì trên đời, ông muốn quay lại nhà với vẻ thanh bình tương tự ông thấy trên gương mặt mục sư Harris, nhưng khi ông lê bước qua bãi cát, ông không thể kềm được việc cảm thấy mình như một kẻ vụng về, kẻ tìm kiếm sự thật về Chúa y như một đứa trẻ đang tìm kiếm vỏ sò.
Thật tuyệt biết bao nếu như ông có thể nhận ra một dấu hiệu về sự hiện hữu của Người – có lẽ là một bụi cây đang bốc cháy* chăng – nhưng thay vì thế, ông thử tập trung vào thế giới quanh ông : Mặt trời đã nhô lên khỏi biển, tiếng véo von của những con chim hót vang trong buổi sớm mai, sương mù mong manh là đà trên mặt nước. Ông cố hấp thụ vẻ đẹp mà không suy nghĩ, cố cảm thấy cát mịn bên dưới bàn chân, và cơn gió nhẹ mơn man trên má. Bất chấp những nỗ lực của bản thân, ông không biết liệu mình có tiến gần câu trả lời hơn khi ông mới bắt đầu hay không nữa.
(* Trong Kinh Thánh Cựu Ước, Chúa Trời đã hiện ra với ông Moses trên đỉnh núi qua việc làm bốc cháy một bụi cây và truyền cho ông mười điều răn trên đá. Moses là người đưa dân Do Thái về miền đất hứa, thoát khỏi ách thống trị của Ai Cập theo ý Chúa. Hãng Film Walt Disney đã làm film về truyền thuyết này rất hay mang tên Hoàng Tử Ai Cập với Moses là nhân vật chính và bám khá sát truyền thuyết.)
Đó là gì, ông đã tự hỏi hằng trăm lần, rằng liệu mục sư Harris có thể nào nghe được câu trả lời trong trái tim của ông ấy hay không? Ý của ông ấy là gì khi nói rằng ông ấy cảm nhận được sự hiện hữu của Thiên Chúa? Steve tin rằng ông có thể hỏi trực tiếp mục sư Harris, nhưng ông ngờ rằng điều đó chẳng làm nên được sự khác biệt nào. Làm sao có người có thể giải thích một điều như thế được chứ? Điều đó gần giống việc mô tả màu sắc cho người mù bẩm sinh : Từ ngữ có thể hiểu được, nhưng nhận thức sẽ vẫn huyền bí và riêng tư.
Thật kỳ lạ khi ông nghĩ về những ý tưởng như thế. Cho đến gần đây, ông chưa bao giờ hỏi những câu như vậy, nhưng ông cho rằng những trách nhiệm hàng ngày của ông đã giữ cho ông đủ bận rộn để tránh xa những suy nghĩ về chúng, ít ra cho đến khi ông quay trở về bãi biển Wrightville. Tại nơi đây, thời gian làm chậm lại những nhịp bước của đời ông. Khi ông tiếp tục đi dạo trên bờ biển, một lần nữa, ông suy gẫm về quyết định đầy đau khổ mà ông đã thực hiện khi cố thử vận may với vai trò một tay hòa tấu piano. Sự thật là ông luôn băn khoăn không biết ông ông có thể thành công hay không, và vâng, ông cảm thấy thời gian đó đã kết thúc. Nhưng làm sao ý tưởng đó lại trở nên cấp bách đến thế ? Tại sao ông lại muốn rời khỏi gia đình mình trong những tháng dài đằng đẵng như vậy chứ? Làm sao, ông tự hỏi, ông lại có thể ích kỷ đến thế ? Trong hồi tưởng, chẳng quyết định nào chứng tỏ là khôn ngoan. Trước đây, ông cho rằng, niềm đam mê âm nhạc đã dẫn ông đến quyết định đó, nhưng bây giờ, ông ngờ rằng, thật ra ông chỉ tìm cách để điền đầy nỗi trống trải mà đôi khi ông cảm thấy trong tâm hồn ông.
Và khi ông dạo bước, ông bắt đầu phân vân, không biết với nhận thức này, có phải cuối cùng, ông đã tìm thấy câu trả lời của ông hay không.

Không có nhận xét nào: